Tiền quá “hẻo”, blue-chips hồi giá, vốn ngoại đột ngột mua ròng lớn
Áp lực bán tháo vẫn rất lớn ở một số cổ phiếu đầu cơ, nhưng tổng thể sự sợ hãi có phần giảm. HoSE chỉ còn 14 mã giảm sàn, dù số mã giảm giá vẫn gấp đôi số tăng giá. Riêng nhóm blue-chips VN30, các mã tăng giá đã đảo chiều nhỉnh hơn...
Áp lực bán tháo vẫn rất lớn ở một số cổ phiếu đầu cơ, nhưng tổng thể sự sợ hãi có phần giảm. HoSE chỉ còn 14 mã giảm sàn, dù số mã giảm giá vẫn gấp đôi số tăng giá. Riêng nhóm blue-chips VN30, các mã tăng giá đã đảo chiều nhỉnh hơn.
Các blue-chips thể hiện khá rõ vai trò nâng đỡ và giữ nhịp thị trường sáng nay. Vn30-Index giảm nhẹ 0,16%, nhưng độ rộng ghi nhận 16 mã tăng/12 mã giảm. Đây là kết quả tích cực vì nửa đầu phiên, cả rổ đều đỏ rực.
Điểm nhấn ở nhóm VN30 chính là thanh khoản. Giao dịch đột biến giảm gần 60% so với sáng hôm qua, chỉ đạt gần 3.261 tỷ đồng. Đây là phiên sáng thanh khoản thấp kỷ lục kể từ tháng 10 năm ngoái.
Thanh khoản thấp nhưng nhóm blue-chips khá ổn định. Mức giảm sâu nhất chỉ số VN30-Index chạm tới là -0,87% so với tham chiếu. Nhiều cổ phiếu đảo chiều giá rất ấn tượng: POW từ mức giảm 2,37% thành tăng 4,44%, tương đương biên độ đảo chiều gần 7%. VRE cũng đảo chiều hơn 3,9%, đang tăng 1,48% so với tham chiếu. Nhóm ngân hàng có BID, CTG, MBB, STB, TPB, VCB, VPB, HDB đảo chiều phục hồi từ 1% đến hơn 2%. Trong đó BID, CTG, TPB, VCB đã vượt tham chiếu thành công, VPB vẫn giảm 0,43%, HDB giảm 0,16%.
Các mã trụ như VIC, VHM, GAS, VNM, GVR cũng đảo chiều ấn tượng và đã chuyển sang trạng thái tăng giá. Trong đó VNM và GAS, GVR có biên độ đảo chiều gần 2%.
Nhờ hiện tượng đảo chiều giá nói trên nên mức thanh khoản thấp đột biến sáng nay mang nhiều nét tích cực. Dưới áp lực tâm lý rất lớn của hiện tượng bán tháo cổ phiếu đầu cơ nói chung, hôm qua các blue-chips cũng chịu tác động nhất định. Tuy nhiên sáng nay giao dịch rất chậm, áp lực bán rất yếu và lực cầu dâng lên từ từ đang thay đổi trạng thái giá tương đối dễ dàng.
Tổng thể độ rộng của VN-Index hiện vẫn rất hẹp, nhưng trong 312 mã giảm giá thì chỉ còn 140 mã đang giảm trên 1%, trong đó số giảm vượt 2% chỉ khoảng 80 mã. Ngay cả nhóm cổ phiếu smallcap rơi sâu 3,07% đầu phiên thì đến cuối phiên cũng chỉ còn giảm 0,82%. Midcap từ mức giảm 2,73% cũng đã hồi lên, chỉ còn giảm 0,4%.
Tuy nhiên những cổ phiếu thuộc “họ” FLC vẫn đang chịu áp lực lớn: FLC giảm sàn với trên 69,1 triệu cổ đang dư bán sàn và chỉ thanh khoản được 222.900 cổ. ROS giảm sàn với trên 109 triệu cổ dư bán, thanh khoản khoảng 375.000 cổ. AMD giảm sàn với 25,1 triệu cổ dư bán, ART sàn với 13,5 triệu cổ dư bán, KLF sàn với 29,2 triệu cổ dư bán, HAI sàn với 20,2 triệu dư bán... Ngoài nhóm cổ phiếu này, có thêm QCG, NBB, CII, NVT, TGG cũng đang giảm sàn.
Thanh khoản khớp lệnh chung trên cả hai sàn niêm yết sáng nay chỉ đạt 15.221 tỷ đồng, giảm 29% so với sáng hôm qua. Trong đó HoSE giảm giao dịch tới 30%, đạt 13.421 tỷ đồng. Duy nhất GEX và DIG có thanh khoản đáng chú ý, tương ứng 1.226,5 tỷ đồng và 974 tỷ đồng. Cổ phiếu thanh khoản nhất trong rổ VN30 là STB, chỉ giao dịch 437 tỷ đồng.
Thanh khoản suy giảm đột biến là hiện tượng không bình thường, cho thấy đang có tâm lý phòng thủ chờ đợi lan rộng. Thị trường đang lo sợ về đợt bán tháo này dẫn đến áp lực giải chấp mạnh. Tuy nhiên thực tế hiện tượng bán tháo chỉ còn tụ lại ở số ít cổ phiếu. Áp lực bán giảm là điều kiện tốt để cung cầu cân bằng hơn trước khi có được sự bình ổn.
Đà phục hồi chậm chạp nửa sau phiên sáng nay cũng thể hiện sự thận trọng cao từ phía người cầm tiền. Áp lực bán yếu mở đường cho bên mua đẩy giá lên. Đây có thể là tiền đề cho giao dịch sôi động và tích cực hơn trong phiên chiều nay.
Khối ngoại chuyển hướng mua ròng 394,6 tỷ đồng trên HoSE sáng nay, trong đó tập trung toàn blue-chips như STB (57 tỷ), VNM (41 tỷ), GEX (36 tỷ), CTG (32 tỷ), VCB (29 tỷ)... Tổng giá trị giải ngân đạt 815,4 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng thanh khoản sàn này. Đây là tỷ trọng lớn bất ngờ, nhưng chủ yếu do dòng vốn trong nước co lại.