13:53 22/10/2012

Tiếp tục “đòi” địa chỉ chống tham nhũng chưa tốt

Nguyễn Lê

Việc đánh giá tình hình tham nhũng trong cả nước vẫn chưa căn cứ vào các tiêu chí đã quy định

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội - Ảnh: TN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội - Ảnh: TN.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại thêm một lần “đòi” địa chỉ đã làm tốt và chưa làm tốt công tác này.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sáng nay, báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ lần đầu tiên được trình bày trên hội trường, thay vì gửi đại biểu nghiên cứu như các kỳ họp trước.

Chính phủ nhận định “tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.

Nhất trí với đánh giá này, song cơ quan thẩm tra “phê” báo cáo chưa nêu rõ được các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị đã làm  tốt hoặc chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng. Những lĩnh vực, ngành nào còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống cũng như các giải pháp đột phá để tăng cường hiệu quả công tác này cũng là những điều cơ quan thẩm tra muốn biết rõ hơn.

Đáng chú ý là, đây không phải lần đầu tiên Ủy ban đặt vấn đề  này. Tại kỳ họp cuối năm 2011, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, cơ quan thẩm tra cũng đã nhận xét “báo cáo vẫn chưa nêu được cụ thể địa chỉ đã làm tốt và chưa tốt công tác phòng, chống tham nhũng hoặc những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng. Chưa phân tích sâu nguyên nhân chủ quan của việc trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị ít phát hiện được tham nhũng…”.

Mà, đây lại được nhấn mạnh là một trong những hạn chế, tồn tại đã được cơ quan thẩm tra nêu từ các năm trước nữa.

Một trong các nguyên nhân đến sự thiếu sâu sắc tại báo cáo của Chính phủ, theo cơ quan thẩm tra là việc đánh giá tình hình tham nhũng trong cả nước vẫn chưa căn cứ vào các tiêu chí đã quy định của Thanh tra Chính phủ về lĩnh vực này.

Trong số rất nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài từ năm nay sang năm khác của phòng chống tham nhũng, báo cáo thẩm tra cho rằng, thực trạng xử lý chưa nghiêm minh đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay đã gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Có địa phương cho rằng, các vụ án lớn, phức tạp có biểu hiện tham nhũng do các cơ quan trung ương điều tra hoặc xử lý còn chưa nghiêm, nên chưa làm gương cho các địa phương trong việc xử lý các vụ án tham nhũng trên địa bàn, cơ quan thẩm tra “chú thích” thêm.

Báo cáo thẩm tra cũng điểm tên một số vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Như, vụ tham ô tài sản tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Hay vụ tham nhũng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè Tp.HCM thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng…

Cơ quan thẩm tra cũng vẫn tiếp tục quan ngại, khi tỷ lệ xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các loại tội phạm nói chung là 22%, trong khi ở tội phạm tham nhũng chiếm đến 34,2%.

Theo nghị trình, vào cuối tuần này, báo cáo phòng chống tham nhũng sẽ được thảo luận ở tổ, trước khi được thảo luận tại hội trường trong cả ngày 1/11 và sáng 2/11, cùng với nhiều báo cáo khác của các cơ quan tư pháp.