18:23 10/01/2022

Tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Phúc Minh

Trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đánh giá kết quả, tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ phù hợp…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh yêu cầu này khi dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chiều 10/1. 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong thời gian tới, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến khó lường; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thay đổi từ năm 2022 như: Nâng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg trong đó có khoảng 2,1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc nhóm được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế… sẽ đặt ra nhiều thách thức cho ngành.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn, thách thức của ngành đó là: khuôn khổ pháp lý hiện hành còn có vướng mắc cần phải được rà soát, hoàn thiện, nhất là một số quy định tại các luật liên quan (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc làm, thanh tra…).

Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia và một số chỉ tiêu về độ bao phủ; tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng.

Việc giải quyết chế độ đối với người lao động trong trong trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn còn vướng mắc. Đáng chú ý, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, dịch Covid-19 có thể kéo dài trong năm 2022, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp, nguy hiểm hơn làm giảm hiệu quả vaccine. Kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo an sinh xã hội.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - BHXH Việt Nam. 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - BHXH Việt Nam. 

Trước những bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề xuất sớm với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương và tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của Ngành.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chế độ đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt.

Đồng thời, triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đánh giá kết quả thực hiện, tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng.

Về quản lý các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, “chúng ta đã làm tốt nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để dành phần lớn nguồn quỹ tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội”.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ngành đã sẵn có cơ chế chính sách, nguồn lực, nền tảng chuyển đổi số thì yêu cầu tiên quyết vẫn phải gắn với nhân tố con người và tổ chức bộ máy.