15:43 23/04/2008

Tiêu chí nào cắt giảm dự án không hiệu quả?

Nguyên Quân

Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời phỏng vấn xoay quanh việc cắt giảm các dự án không hiệu quả

Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời phỏng vấn.
Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời phỏng vấn.
Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời phỏng vấn xoay quanh việc cắt giảm các dự án không hiệu quả.

Thưa Bộ trưởng, tình trạng bố trí vốn đầu tư dàn trải đã diễn ra nhiều năm. Vậy nhưng những tháng đầu năm 2008 vẫn có tới 68 dự án thuộc dạng này?

Nếu so với hàng nghìn dự án thì con số 68 dự án thuộc dạng bố trí vốn đầu tư dàn trải hiện nay là đã có sự tiến bộ rất nhiều. Nhưng chúng tôi vẫn nêu con số này ra để nghiêm khắc phê bình một số Bộ, địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu phải chấn chỉnh.

Theo kế hoạch thì các địa phương mới báo cáo việc thực hiện cắt giảm vốn đối với các công trình kém hiệu quả trong tháng 5 tới. Thời gian lâu như vậy liệu có làm các địa phương chậm trễ cho việc triển khai chủ trương này?

Việc thực hiện cắt giảm đối với các công trình đầu tư kém hiệu quả đã được thực hiện ngay từ bây giờ. Chính phủ đã yêu cầu không tăng vốn đầu tư mặc dù đơn giá xây dựng tăng. Điều này đương nhiên buộc các địa phương phải chủ động cắt giảm các công trình không hiệu quả, vì với số vốn không tăng trong khi đơn giá tăng, thì đương nhiên không thể rót vốn dàn trải vào nhiều dự án, mà phải tập trung cho các dự án hiệu quả.

Theo kế hoạch thì đến tháng 5, các địa phương phải báo cáo Chính phủ các dự án đầu tư kém hiệu quả là khoảng thời gian hợp lý, bảo đảm cho các địa phương tổng hợp các thông số, dữ liệu vốn đầu tư.

Thưa Bộ trưởng, khi đó các dự án thuộc diện cắt giảm, nhất là các dự án có vốn đầu tư lớn có được công bố công khai?

Trên cơ sở rà soát các dự án sử dụng vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, công trình nào thuộc diện cắt giảm mà đã thực hiện sẽ được công khai. Sau khi tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương, chúng tôi cũng sẽ công bố công khai các dự án thuộc diện cắt giảm.

Có thắc mắc là hiện Bộ Kế hoạch Đầu tư mới chỉ đưa ra tiêu chí cắt giảm các dự án không hiệu quả là dựa trên nguồn vốn đầu tư trong khi chưa có các tiêu chí khác?

Hiện nay, tiêu chí cắt giảm các dự án không hiệu quả chủ yếu dựa trên quy mô nguồn vốn và thủ tục đầu tư. Còn với các dự án khác của các doanh nghiệp nhà nước thì đã được phân cấp cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải tập trung rà soát và có biện pháp xử lý. Kênh cấp vốn chủ yếu cho doanh nghiệp nhà nước là qua các ngân hàng thương mại nhà nước, do đó ngân hàng phải biết doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả để chủ động xử lý, chứ không thể xử lý về mặt hành chính.

Thưa Bộ trưởng, liên quan đến cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của Chính phủ, nhiều địa phương cho rằng không thể giảm hơn được nữa?

Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Sự cắt giảm phải trên cơ sở duy trì hoạt động bình thường, nhiều khoản hoàn toàn có thể cắt giảm như chi hội họp, mua sắm ô tô, xây trụ sở... Rõ ràng, nguồn ngân sách là do nhà nước nắm, nên không cắt giảm không được. Các doanh nghiệp nhà nước đã có biện pháp để kiểm tra việc cắt giảm chi tiêu và có chế tài xử lý nếu doanh nghiệp không tuân thủ nguyên tắc này.

Nếu có địa phương nào lãng phí thì có chế tài xử lý như thế nào?

Nếu làm quyết liệt thì tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng do giảm chi phí hội họp, mua xe. Chế tài xử lý các địa phương chưa làm ráo riết việc cắt giảm chi tiêu hợp lý sẽ được Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ thống nhất đưa ra.

Liên quan đến cơ chế điều hành tín dụng như hiện nay, có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng nhận định sao về ý kiến này?

Không thể như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn được ưu tiên, vì trong các giải pháp của Chính phủ, cụ thể là giải pháp thứ 6 luôn khuyên khích sản xuất và đầu tư phát triển, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân. Vẫn bố trí tín dụng lành mạnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển.

Nhưng lãi suất cao như vậy làm sao doanh nghiệp tiếp cận được vốn?

Muốn có vốn thì doanh nghiệp phải đa dạng hoá nguồn vốn vay. Khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn tự có ra và bằng cách thành lập các công ty cổ phần để huy động vốn trong dân để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tín dụng ngân hàng do điều kiện hiện nay nên khó có thể giảm lãi suất được do nếu tăng lãi suất sẽ vẫn tăng lạm phát.