Tiêu dùng Tết: Kênh phân phối hiện đại “thắng lớn” về sức mua
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu mua sắm của người dân tăng song giá các mặt hàng thiết yếu cơ bản không biến động lớn. Thị trường bình ổn trong bối cảnh người dân đang dần thay đổi thói quen mua sắm, chi tiêu hợp lý...
Mới đây, Sở Công Thương TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết công tác triển khai các giải pháp cân đối cung cầu Tết Ất Tỵ 2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1 - tháng cao điểm Tết Nguyên đán - trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 53.700 tỉ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, người dân tiếp tục có sự chuyển biến về cơ cấu tiêu dùng Tết, thời điểm mua sắm, xu hướng lựa chọn kênh mua sắm. Về cơ cấu tiêu dùng, hàng may mặc, thời trang, đồ dùng gia đình… tăng 20%. Trong khi đó, lương thực, thực phẩm thiết yếu chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ. Xu hướng vui chơi, giải trí, du lịch… dịp Tết tiếp tục tăng, doanh thu dịch vụ du lịch tăng 17%, doanh thu ăn uống tăng 27,3%.
Ghi nhận thực tế, sức mua sắm Tết tại các kênh phân phối hiện đại tăng từ 15% - 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó tại chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa... sức mua tăng chậm. Lượng hàng Tết lưu thông qua 3 chợ đầu mối năm nay tuy tăng 70% - 80% so với ngày thường nhưng giảm 10%-15 % so với cùng thời điểm tết năm 2024. Trong khi đó, sức mua tại kênh phân phối hiện đại tăng mạnh, 100% - 120% so với ngày thường, kênh thương mại điện tử cũng tiếp tục đà tăng trưởng 45 - 50%/năm.
Từ góc độ doanh nghiệp, siêu thị MM Mega Market cho biết, tình hình bán hàng Tết năm nay khá khả quan. Doanh số bán lẻ vượt trên 70 tỉ đồng (chỉ tính riêng nhóm khách hộ gia đình, và chưa tính doanh thu 3 ngày trước Tết). Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tươi sống vượt 50% so với năm ngoái.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam, hệ thống siêu thị này đã mở cửa xuyên Tết để phục vụ khách hàng. Do đã thông báo lịch mở cửa từ sớm, AEON Việt Nam ghi nhận nhiều khách hàng, đặc biệt là các gia đình đã có kế hoạch đến vui chơi, mua sắm ngay từ mùng 1, mùng 2 Tết. Khách hàng chủ yếu mua các sản phẩm rau, đồ tươi sống, mì, nước ngọt... Khu vực các sản phẩm cho trẻ em cũng thu hút đông đảo khách hàng tham quan, mua sắm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị GO! Thăng Long (Hà Nội), cho hay siêu thị bắt đầu mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết. Các mặt hàng được khách hàng ưa chuộng trong những ngày đầu năm mới là rau xanh, thực phẩm. Tuy vậy, do mấy ngày Tết đang trong kỳ nghỉ lễ nên lượng khách của siêu thị giảm 5%. GO! Thăng Long tiếp tục có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung phong phú về hàng hóa, giá bình ổn nhằm phục vụ người tiêu dùng mua sắm rằm tháng giêng với giá và nguồn hàng bình ổn.
Sở Công Thương TP.HCM đánh giá thói quen mua sắm của người dân tiếp tục có sự chuyển biến về cơ cấu tiêu dùng, thời điểm và sự lựa chọn kênh mua sắm dịp Tết. "Các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố hoạt động gần như liên tục trước, trong và sau Tết. Tình trạng ùn ứ, xếp hàng tại các hệ thống phân phối những ngày cận Tết năm nay đã giảm so với mọi năm", ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, với các giải pháp tổng thể được triển khai đồng bộ, tình hình thị trường trước và trong dịp Tết 2025 tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ. Sau Tết, các siêu thị cho biết đã tăng cường một số mặt hàng đặc thù phục vụ người dân quay trở lại thành phố làm việc. Hệ thống Satra, Saigon Co.op, MM Mega Market, GO!, BigC… thông tin, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng khá dồi dào, các chương trình khuyến mãi, giảm giá đầu xuân vẫn tiếp tục được triển khai để đẩy mạnh sức mua.
Tại các siêu thị như MM Mega Market, Lotte, Bách Hóa Xanh… khảo sát cho thấy người tiêu dùng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hoặc nấu chín. Tại một siêu thị thuộc quận 3, TP.HCM, hàng hóa được lấp đầy kệ hơn so với ngày mở bán đầu năm mới, nhiều mặt hàng cũng áp dụng khuyến mãi, mua 1 tặng 1, một số mặt hàng khác đang khuyến mãi giảm giá 10 - 30%.
Tương tự, sau Tết, hệ thống Co.opmart và Co.opXtra nhập nhiều mặt hàng thịt gia súc, cá lóc quay, cá lóc nướng, cá lóc quay me cùng đa dạng rau xanh và trái cây. Đại diện Saigon Co.op cam kết giữ giá bình ổn, đồng thời triển khai nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá từ 10%, 20% đến 30% cho nhiều nhóm hàng, giúp khách hàng mua sắm tiết kiệm, an vui đầu năm mới.
Tại Hà Nội, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng đã mở cửa hoạt động trở lại như BigC, Aeon Mall, Gigamall, Co.opmart, CircleK, Winmart…, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng đầu năm chưa cao, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi...
Đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội về thị trường hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua cho thấy, doanh thu bán hàng phục vụ Tết của các doanh nghiệp thương mại tăng 5% so với Tết 2024; một số đơn vị phân phối lớn doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 25% so với tổng doanh thu bán hàng; số lượng đơn đặt hàng tăng trung bình 15% - 20% so với cùng kỳ Tết 2024.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan nhận định: "Việc các hệ thống siêu thị duy trì hoạt động xuyên Tết đã tác động tích cực đến thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân khi các các chợ truyền thống tạm nghỉ Tết”. Cùng với đó, người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm, chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, trong đó không mua ồ ạt và chỉ mua những thứ thực sự cần thiết với nhu cầu của gia đình. Vì vậy, giá cả thị trường Tết tại các địa phương tăng, giảm đan xen, không có đột biến, sốt giá.
Nói về vấn đề doanh số ở chợ bị sụt giảm do người dân thường lựa chọn mua hàng qua thương mại điện tử hoặc siêu thị, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá đây là xu hướng thông thường của thị trường và đã diễn ra trong vài năm trở lại đây chứ không phải mới phát sinh. Hoạt động chợ online trên các nền tảng số thời gian qua luôn rộn ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, phong phú về chủng loại hàng hóa, giá cả, tạo sức hút không nhỏ với người tiêu dùng.
Các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm cũng thường xuyên tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, tích lũy điểm thành viên... Cùng với đó, nhiều người tiêu dùng cho biết họ chuyển sang ưu tiêu mua sắm ở siêu thị do hàng hoá tại đây được niêm yết giá, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên chất lượng đảm bảo hơn.