Tỉnh táo để sắm Tết trên “chợ mạng”
Những ngày gần đây, hoạt động bán hàng diễn ra rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử. Nhiều nhà bán hàng đã livestream xuyên đêm, bán đủ loại mặt hàng, từ thời trang đến hàng tươi sống... thu hút tới hàng ngàn người xem cùng lúc...
Theo báo cáo mới đây của Grab về xu hướng mua sắm Tết, người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho dịp lễ Tết Nguyên Đán từ sớm. Cụ thể, 55% người được khảo sát cho biết họ bắt đầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm từ 1 tháng trước Tết.
Cùng với đó, 61% người dùng dự kiến chi tiêu nhiều hơn so với năm ngoái. Mức chi tiêu trung bình dự kiến là 7,4 triệu đồng. Các khoản chi tiêu chủ yếu bao gồm hàng hóa thực phẩm (chiếm 25%), quần áo phụ kiện (24%) và tiệc tùng họp mặt (23%). Điều này phản ánh nhu cầu đa dạng và sự quan tâm đến chất lượng sống trong dịp Tết của người dân.
Đáng chú ý, 49% người dùng tham gia khảo sát cho biết họ kết hợp giữa mua sắm trực tiếp (offline) và trực tuyến (online). Điều này phản ánh thực tế rằng ngày nay, các dịch vụ trực tuyến đã đi sâu vào hành vi tiêu dùng, mua sắm của người Việt. Với sự bùng nổ của công nghệ số, các nền tảng công nghệ đã mở ra những tiện ích mới trong việc mua sắm dịp Tết.
“CHỢ MẠNG” TIỆN LỢI VÀ GIÁ RẺ
Chị Hoàng Thanh Thủy (Lê Văn Thiêm, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, tôi thường xếp hàng trong siêu thị để sắm Tết, nhưng năm nay tôi đặt hàng trên mạng hết”. Theo chị Thủy, giá của các mặt hàng bán qua mạng rẻ hơn rất nhiều so với hàng trong siêu thị. Một hộp mứt nho khô xanh (350 gram) bán tại siêu thị một số siêu thị có giá 78.000 đồng, mứt nho vàng (350 gram) có giá 97.000 đồng. Tuy nhiên, trên rất nhiều trang mạng và trang Facebook cá nhân rao bán nho khô với giá 50.000 - 60.000 đồng/hộp.
Tương tự, một tài khoản mạng xã hội rao bán ốc hương size 80 con 260.000 đồng/kg, sò huyết khổng lồ chỉ 280.000 đồng/kg, ốc mỡ 200.000 đồng/kg, sò lông 3kg 100.000 đồng/kg... đảm bảo hàng chất lượng, miễn ship nội thành, tặng thêm nước chấm và rau. Hay một tài khoản Facebook livestream bán táo tàu, giá chỉ 100.000 đồng/3 túi, nếu khách mua 200.000 đồng sẽ được 6 túi to vip và phần quà ngẫu nhiên. Phiên livestream này thu hút gần 1.000 người xem cùng lúc.
Thực tế, đáp ứng nhu cầu sắm Tết online gia tăng, các sàn thương mại điện tử lớn như TikTok Shop, Shopee, Lazada cũng "đua" tung ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho Tết từ thời trang, làm đẹp, đồ gia dụng đến các ưu đãi miễn phí vận chuyển, đa dạng phương thức thanh toán để giữ chân người mua. Hàng loạt những voucher khuyến mại được tung ra, nhiều sản phẩm được giảm giá từ 10 - 50%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn nhận được nhiều hình thức ưu đãi khác như mua để nhận quà, miễn phí vận chuyển, đa dạng phương thức thanh toán…
Song song với đó là các nhóm mua bán trên mạng xã hội, các trang cá nhân thường xuyên update sản phẩm đồ ăn, quà tết với đầy đủ thông tin về giá cả, chất lượng, xuất xứ, nhiều kiểu dáng, mẫu mã phong phú. Đối với những người bận rộn và có quỹ thời gian eo hẹp như dân văn phòng thì việc mua sắm qua chợ online hiện nay là ưu tiên hàng đầu.
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, số đơn mua hàng trực tuyến tăng mạnh, các shipper luôn là những người bận rộn, thường phải làm việc từ sáng sớm tới tận khuya. Anh Lê Thế Anh (Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ trước Tết Dương lịch năm nay, anh cùng các đồng nghiệp thường phải làm việc tăng ca từ 6h sáng cho đến 10h đêm. Điều này do số lượng đơn giao hàng tăng mạnh so với ngày thường.
"Vài năm gần đây, cứ vào dịp Tết là những người giao hàng như chúng tôi đều làm từ sáng sớm đến khuya, tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Điện thoại thường trong tình trạng nóng máy, vì liên tục các cuộc gọi không ngừng nghỉ. Có những ngày làm việc không có thời gian ăn nghỉ và có hôm 10h tối vẫn chưa về nhà là chuyện bình thường", anh Thế Anh chia sẻ.
CẨN TRỌNG HÀNG TRÔI NỔI, KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC
Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của chợ mạng với hàng loạt đặc sản vùng miền, món ăn ngon, đồ trang trí Tết được quảng cáo rầm rộ. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, người mua có thể dễ dàng so sánh giá cả, săn khuyến mãi và nhận hàng tận nhà. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là những nguy cơ tiềm ẩn mà người tiêu dùng cần lưu ý. Chẳng hạn, nhiều gian hàng ảo “thời vụ” đã mọc lên, rao bán đủ loại hàng hóa với những lời quảng cáo "có cánh" nhưng thực tế lại không đúng như mô tả.
Người mua chỉ có thể đánh giá sản phẩm qua hình ảnh và lời giới thiệu của người bán, không được kiểm tra trực tiếp nên rất dễ mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng đáng lo ngại khi mua hàng trên chợ mạng. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, phần lớn các cơ sở bán hàng online tự phát hiện nay đều không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và không đăng ký kinh doanh.
Các địa chỉ sản xuất thực phẩm "nhà làm" được quảng bá trên mạng thường là địa chỉ ảo, gây khó khăn trong việc truy tìm nguồn gốc. Do đó, số lượng mặt hàng và cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội được kiểm tra ít hơn nhiều so với các cơ sở kinh doanh trực tiếp bên ngoài, làm tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sáng 16/1, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Trong đó, các Đội QLTT thông tin sẽ tăng cường kiểm tra việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội giai đoạn cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Phó Đội trưởng Đội QLTT 18 cho biết, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số khiến công tác giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cần phải thực hiện quyết liệt hơn.
Phương thức hoạt động phổ biến của các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng giả chủ yếu livestream trên các sàn thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee…) hoặc mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…). Các điểm bán hàng thường không giới thiệu địa chỉ kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua Inbox (nhắn tin riêng) nên khó xác định danh tính. Bên cạnh đó, có tình trạng các đối tượng thuê người quảng cáo, mua lượng người theo dõi và chốt đơn ảo nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Theo Cục Quản lý thị trường, năm 2024, đơn vị đã ra 4.846 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 93 tỷ đồng. Nhiều vụ vi phạm liên quan đến việc kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo khi mua thực phẩm online, người tiêu dùng cần lưu ý chọn mua sản phẩm có nguồn gốc uy tín, an toàn; có ngày tháng sản xuất, thời gian sử dụng, cách bảo quản, chế biến và thành phần chính trong thực phẩm...
Với những thực phẩm có bao gói sẵn, dù không dán tem truy xuất nguồn gốc cũng cần lựa chọn sản phẩm có nhãn, mác đủ thông tin: thành phần cấu tạo; định lượng sản phẩm; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản; tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; cảnh báo an toàn (nếu có)...