09:09 01/05/2009

Tiêu thụ nông sản qua... tin nhắn

Phong Lan

Sắp tới, người cần mua và người cần bán nông sản có thể gặp nhau qua tin nhắn điện thoại

Nhà nông có thể tra cứu giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp trong nước và đăng tin mua, bán nông sản mà không cần kết nối Internet - Ảnh minh họa.
Nhà nông có thể tra cứu giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp trong nước và đăng tin mua, bán nông sản mà không cần kết nối Internet - Ảnh minh họa.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, người nông dân có thể tra cứu giá cả, đăng tin cần mua, cần bán các sản phẩm nông nghiệp thông qua điện thoại di động.

Thời gian gần đây, để hỗ trợ nông dân, hàng loạt các trang web thông tin, tư vấn, mua bán rao vặt đã ra đời, song phần nhiều chưa thành công bởi địa bàn sinh sống của nông là vùng sâu, vùng xa nên không có đường truyền Internet (hoặc chi phí quá đắt), không có máy tính và quan trọng nhất là kiến thức của họ chưa đủ để thao tác, xử lý trên máy tính và Internet.

Dịch vụ tra cứu thông tin nông nghiệp qua SMS (dịch vụ tin nhắn ngắn) do Trung tâm Viettel Media phối hợp với Trung tâm Tin học thống kê (ICARD), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp sẽ giúp nhà nông tra cứu giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp trong nước và đăng tin mua, bán nông sản mà không cần kết nối Internet.

iNhaNong không cần Internet

Tháng 11/2008, Viettel Media đã cho ra đời iNhaNong. Đây là phần mềm nhắn tin các thông tin nông nghiệp được cài đặt sẵn trên máy điện thoại của khách hàng, giúp người nông dân dễ dàng tra cứu thông tin nông nghiệp của 20 tỉnh thành trong cả nước thuộc dự án của ICARD. Đầu năm 2009 chương trình chính thức đi vào hoạt động.

Ông Trần Lâm Đường, Phó giám đốc Trung tâm ICARD cho biết: để sử dụng dịch vụ, người dùng chỉ cần có điện thoại di động không cần kết nối Internet; cài đặt phần mềm và truy cập vào menu mong muốn rồi gửi tin.

Hiện tại, phần mềm cung cấp 3 dịch vụ: tra cứu giá nông sản, đăng giá nông sản và đăng tin rao vặt. Để sử dụng phần mềm này, máy điện thoại di động phải có ứng dụng Java.

Theo ông Bùi Quang Đông, Ban quản lý dự án nông nghiệp của Trung tâm Viettel Media, những loại máy này có giá khoảng 1 triệu đồng, thuộc các hãng Nokia và Samsung. Đây là ứng dụng đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Phần mềm đã đơn giản hóa tối đa cách tra cứu, truyền tải và thu thập thông tin nông nghiệp đối với người sử dụng. Người chỉ cần cài đặt và lựa chọn danh mục mong muốn và gửi tin đi, hệ thống sẽ trả về thông tin yêu cầu.

Nếu sử dụng dịch vụ bằng phần mềm, đầu tiên nông dân sẽ tải phần mềm mang tên “Client”. Phần mềm này được tải miễn phí. Nếu sử dụng dịch vụ hoàn toàn bằng SMS, người dùng không phải tải phần mềm mà sẽ tra cứu thông tin bằng cách gửi SMS đến số 8062. Mức phí cho mỗi tin nhắn là 500 đồng.

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Viettel Media cho biết: “Viettel sẽ đầu tư nhiều hơn nữa để người nông dân với kiến thức cơ bản sẽ hưởng thụ tối đa các thành quả từ sự phát triển công nghệ thông tin như người dân thành thị. Thông tin sẽ đến với người dân bằng nhiều cách đơn giản khác nhau mà không cần máy tính như: SMS, tivi, radio thậm chí là gọi điện thoại cũng có thông tin”.

Thông tin cập nhật

Hiện nay, kho thông tin dữ liệu của ICARD đã khá dày dặn để đáp ứng nhu cầu của nông dân. Có gần 230 điểm cung cấp thông tin thường xuyên tại 23 tỉnh, bao quát phần lớn những mặt hàng nông sản chính của các địa phương này.

Mật độ cập nhật tin tức khá thường xuyên, có những loại nông sản (như lúa gạo, rau, quả...) được cập nhật tin hàng ngày; những loại cây công nghiệp (cà phê, tiêu, điều, lạc) cập nhật 3 ngày 1 lần; các sản phẩm thuộc nhóm vật tư, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật...được cập nhật tin tức, giá cả 1 tuần 1 lần.

Phần mềm cũng cho phép các cán bộ khuyến nông truyền tải thông tin giá cả về trung tâm qua hệ thống SMS. Sắp tới, Viettel Media sẽ nâng cấp phần mềm này theo hướng để nông dân có thể trao đổi mua, bán các nông sản của mình sau khi nắm được sự thay đổi giá cả thị trường. ICARD đã phối hợp với các địa phương để có được nguồn tin xác thực tại từng vùng.

ICARD sẽ mở thêm mạng lưới các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, thu mua, xuất nhập khẩu nông sản nhằm bổ sung dữ liệu thị trường nông sản cho hệ thống. Cách làm này đặc biệt hữu ích đối với người dân khi vào mùa vụ, nông sản được thu mua dồn dập.

Đối với những người buôn bán trong nước, việc cập nhật giá cả trên điện thoại di động có thể giúp cho họ ngay lập tức cho ra quyết định di chuyển hàng hóa từ huyện này sang huyện khác để bán, thậm chí từ tỉnh này sang tỉnh khác nếu thấy được giá hơn. Chỉ tính riêng từ tháng 2 tới nay đã có hơn 4.000 lượt tin nhắn truy cập.

Hiện nay, với dịch vụ đăng tin rao vặt, thông tin sẽ được đăng trên mục Cơ hội giao thương của trang Xúc tiến thương mại trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (http://www.agroviet.gov.vn).

Tuy nhiên, ông Đường cho biết ICARD đang thảo luận với Viettel để nâng cấp phần mềm, qua đó người cần mua và người cần bán có thể gặp nhau qua SMS. Trung tâm đang phối hợp với Viettel để giúp tất cả những người sử dụng sim của Viettel sẽ được miễn phí truy cập 3 tháng đầu.

Người dân cũng có thể chỉ đăng ký tin nhắn một lần duy nhất nhưng vẫn cập nhật được thông tin giá cả hàng ngày, thông qua hệ thống tin nhắn tự động cập nhật gửi về máy. Ông Đường cũng cho biết thêm là hãng phần mềm nổi tiếng thế giới là Microsoft đang phối hợp với ICARD để mở rộng loại hình thông tin này cho lĩnh vực thuỷ sản.

Hiện với giá 15.000 đồng/tin nhắn cho việc cập nhật thông tin xung quanh thị trường cá tra, vẫn được người dân chấp nhận và cập nhật thường xuyên. “Tôi nghĩ loại hình dịch vụ đó còn rất hữu ích khi áp dụng cho thông tin về các ổ dịch bệnh mới xuất hiện, cháy rừng trong nông nghiệp và dịch bệnh mới bùng phát trong y tế”, ông Đường nói.