Tìm cách giữ chân nhà đầu tư nước ngoài
Diễn biến phức tạp của dịch Covid cùng các biện pháp chống dịch đã khiến hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gặp không ít thách thức, rủi ro. Bài toán đặt ra lúc này là làm sao để vừa giữ chân doanh nghiệp, vừa tránh đứt gãy chuỗi cung ứng?...
Là địa phương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, song lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, ông Phạm Tuấn Anh, Phó phòng kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết 8 tháng đầu năm 2021 giá trị vốn FDI toàn thành phố giảm đáng kể, chỉ còn 2,17 tỷ USD, bằng 56,41% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020.
NHIỀU DOANH NGHIỆP TÌM ĐẾN "BẾN ĐỖ" MỚI
Theo ông Tuấn Anh, các nhà đầu tư hiện nay đang chịu rất nhiều sức ép, từ chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ khó khăn cho đến thiếu nguồn lao động do phải giãn cách không thể tham gia sản xuất.
Những yếu tố này dẫn đến nguy cơ hàng loạt nhà máy của các doanh nghiệp FDI buộc phải cắt giảm, thậm chí ngưng sản xuất do các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
"Hiện nay, do áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, nên nhiều thành viên của AmCham (khoảng 14%) đã chuyển sản xuất qua các nước khác; 13% các công ty đã ngừng sản xuất; 46% đang hoạt động dưới 50% ngưỡng hoạt động của họ".
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham tại Việt Nam.
Mô hình sản xuất 3 tại chỗ tại một số địa phương thực hiện giãn cách đã thực sự giúp ích cho doanh nghiệp, song bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại Việt Nam cho rằng cần có điều chỉnh hiệu quả để bảo vệ sản xuất, người lao động và doanh nghiệp.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, cho biết thêm 80% trong số 1.000 thành viên của EuroCham làm việc tại TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn.
Khảo sát mới nhất của EuroCham cho thấy, khoảng 1/3 các thành viên của EuroCham đã phải đa dạng hoá, chuyển đổi cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam đến một số quốc gia khác.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) đã tiến hành khảo sát nhằm đánh giá những khó khăn, hạn chế mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Pháp đang phải đối mặt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo kết quả khảo sát, mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực được một năm, nhưng giao thương Việt – Pháp giảm 12,7% còn 6,34 tỷ Euro năm 2020 so với 7,26 tỷ Euro năm 2019. Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia không thể vào Việt Nam để khởi động dự án.
Khảo sát cũng cho thấy, có 24% các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam dưới 10 năm và 37% hoạt động trên 10 năm đang chật vật để duy trì sự tồn tại. 78% doanh nghiệp cho biết hoạt động của họ giảm ít nhất 40% trong 2 tháng qua. Trong đó, 72% trả lời hoạt động của họ phải dừng lại và giảm với mức 80%. Chỉ có 17% cho rằng họ ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo ông Adam Koulaksezian, Giám đốc điều hành CCIFV, những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải như cách ly xã hội và hạn chế tiếp xúc khiến doanh nghiệp khó gặp gỡ khách hàng, các chuyên gia nước ngoài khó quay trở lại Việt Nam đã tác động tới doanh thu của doanh nghiệp do đơn hàng giảm, thanh toán muộn, chậm trễ trong ra quyết định…
Bên cạnh đó, các dịch vụ hậu cần cũng khó khi thiếu nguồn cung, chi phí xuất khẩu gia tăng. Chi phí cho 3T là thách thức lớn, việc làm hạn chế…
Để trở lại hoạt động, 51% doanh nghiệp cho biết họ cần ít nhất 6 tháng để quay lại hoạt động bình thường. 62% doanh nghiệp cho biết sẽ ngừng hoạt động nếu tình hình không được cải thiện trong 12 tháng tới.
65% trong số đó sẽ ngừng ngay hoạt động nếu trong 3 tháng tới tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trong 6 tháng tới tình hình không cải thiện, gần 75% doanh nghiệp Pháp sẽ rời khỏi Việt Nam.
MỞ CỬA LẠI ĐỂ GIỮ CHÂN DOANH NGHIỆP
Ông Marko Walde, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Đức trong khối ASEAN. Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra 50 ngành công nghiệp.
"Cần tăng tốc trong tiêm chủng toàn quốc để tăng độ bao phủ vaccine. Nếu cứ tình trạng cách ly dài ngày như hiện nay sẽ tạo tâm lý không tốt cho nhà đầu tư khi đến Việt Nam".
Ông Marko Walde, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Phần lớn các công ty của Đức đang tập trung tại Bình Dương, Đồng Nai. Giống các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp Đức cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam. 20% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tìm thêm nguồn cung khác hoặc di dời nhà máy sang quốc gia khác nếu tình hình không được cải thiện hơn.
Để chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế, ông Marko Walde nhấn mạnh Việt Nam cần có quy định cụ thể với những người đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine. Có những biện pháp mở cửa an toàn cho sản xuất.
Sau đại dịch, các công ty Đức kỳ vọng đến giữa năm 2022 sẽ tăng mạnh sản xuất để bù đắp thời gian đã mất do đại dịch. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hợp lý để duy trì sản xuất suôn sẻ, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh, cũng như giúp Chính phủ đạt mục tiêu quản lý.
Điều cần thiết hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải có đủ nguồn lực tại chỗ để cung ứng cho các doanh nghiệp Đức khi đó mới giữ chân được các doanh nghiệp Đức.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Adam Koulaksezian kỳ vọng các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng việc cắt giảm một số loại thuế, hỗ trợ trả lương. Giảm các khoản phí cố định như hoãn các khoản phí, tiền thuê đất, thuế; hỗ trợ các khoản vay từ ngân hàng địa phương, Ngân hàng Pháp, quỹ đoàn kết để hồi phục sản xuất kinh doanh.
"Mở cửa để tái khởi động nền kinh tế, kinh doanh an toàn, sống chung với Covid là giải pháp không thể nào khác được".
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC.
"Chúng tôi thấu hiểu rõ những khó khăn và thách thức của Chính phủ Việt Nam khi đối mặt với cuộc chiến chống Covid-19. Chúng tôi đặc biệt cảm kích và đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ các công ty khi gặp khó khăn. Một số nghị quyết của Chính phủ giúp doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí… đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp Pháp”, ông Adam Koulaksezian chia sẻ, đồng thời khẳng định sẵn sàng chung sức với TP.HCM để chống dịch, đẩy lùi dịch bệnh, chia sẻ các biện pháp thu hút đầu tư hiệu quả trong thời gian tới.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đồng tình, mở cửa để tái khởi động nền kinh tế, kinh doanh an toàn, sống chung với Covid là giải pháp không thể nào khác được. Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc hộ chiếu vaccine cho phép người người dân sau khi đã được tiêm đủ hai mũi nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch bệnh có thể được tự do di chuyển.
Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được mở lại sản xuất kinh doanh theo cẩm nang hướng dẫn về kinh doanh an toàn do Bộ Y tế phê duyệt. Điều đặc biệt quan trọng hiện nay, theo ông Lộc là các quy định phòng chống dịch phải bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh mỗi nơi làm một kiểu, việc áp dụng Chỉ thị 16+ cũng phải có nguyên tắc và được phép của Trung ương.