Tìm cách siết chặt quản lý thuế với cá nhân có thu nhập cao, tầng lớp giàu có
Ngành thuế sẽ tăng cường quản lý thuế đối với cá nhân có thu nhập cao, giới thượng lưu trong xã hội. Thực tế cho thấy các cá nhân có thu nhập cao thường là những cá nhân có nhiều nguồn thu nhập và có thể phát sinh rủi ro cao về thuế...
Trong 2 ngày 24-25/11 tại Hà Nội, Tổng cục Thuế phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo trực tuyến "Quản lý thuế đối với người nộp thuế là cá nhân có thu nhập cao".
Đây là hội thảo được tổ chức lần thứ 3 và nằm trong cấu phần 2 về quản lý thuế doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân nằm trong dự án nâng cao hiệu quả quản lý thuế thông qua kinh nghiệm quốc tế do JICA tài trợ, có thời gian thực hiện là 58 tháng, từ tháng 9/2020 đến tháng 6/2025.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ các hoạt động xây dựng thể chế chính sách minh bạch, hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế, từ đó tăng cường nguồn thu qua công tác quản lý thuế công bằng và hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, cho biết hiện nay ở Việt Nam đang dần hình thành một bộ phận các cá nhân có thu nhập cao, đóng góp một phần không nhỏ nghĩa vụ thuế cho ngân sách nhà nước.
Do vậy, việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế để thực hiện quản lý thuế đối với cá nhân có thu nhập cao là cần thiết, không chỉ giúp nâng cao ý thức tuân thủ thuế của cá nhân mà còn đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước.
Đây cũng sẽ là nền tảng giúp công tác quản lý thuế với cá nhân có thu nhập cao tại Việt Nam thời gian tới đạt hiệu quả cao.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ota Hidetaka, Cố vấn trưởng dự án JICA, chia sẻ rằng quản lý thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hộ kinh doanh cá thể mà cụ thể là nội dung liên quan quản lý đối tượng có thu nhập cao, tầng lớp giàu có trong xã hội là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ dự án JICA.
Cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, tầng lớp người có thu nhập cao, tầng lớp giàu có trong xã hội đang gia tăng trong thời gian vừa qua.
Đặc biệt, với tốc độ phát triển kinh tế như hiện tại của Việt Nam, cùng với việc đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam có mức GDP đứng thứ 20 của thế giới, số lượng người giàu có trong xã hội của Việt Nam sẽ còn tăng lên đáng kể.
"Thực tế, cơ cấu thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam chiếm tỷ trọng chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới, vấn đề đặt ra cho cơ quan thuế Việt Nam là làm thế nào để quản lý được đối tượng có thu nhập cao, từ đó thu thuế phù hợp và hợp lý là vấn đề cần đặt ra và chú trọng", ông Ota Hidetaka nhận định.
Cũng tại buổi hội thảo lần này, chuyên gia Nhật Bản sẽ chia sẻ kinh nghiệm về kế hoạch quản lý và thanh tra người nộp thuế có thu nhập cao; thu thập thông tin để phát hiện người nộp thuế không kê khai và kê khai thiếu; hệ thống thanh tra thuế về thuế thu nhập cá nhân; thanh tra đối với người nộp thuế có thu nhập cao; các trường hợp thanh tra; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác thanh tra; các biện pháp cải thiện về tuân thủ thuế...
Trong báo cáo "Thị trường tiêu dùng châu Á năm 2030” do Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC công bố tháng 9 vừa qua cho thấy kết quả lạc quan về tốc độ gia tăng thu nhập của người dân các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, nhóm có thu nhập từ 50 - 110 USD/ngày dự kiến tăng trung bình 17%/năm cho đến 2030.