19:53 24/07/2008

Tìm cơ hội ở thị trường Iran

Hương Loan

Iran - một thị trường lớn ở khu vực Trung Đông - đang có nhu cầu đáng kể về nhập khẩu gạo của Việt Nam

Quang cảnh tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Iran.
Quang cảnh tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Iran.
Iran - một thị trường lớn ở khu vực Trung Đông - đang có nhu cầu đáng kể về nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Ngoài gạo, Iran cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng khác của Việt Nam, như sữa và sản phẩm từ sữa, hóa chất, dệt may, chè, cao su, cà phê, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, sản phẩm chất dẻo, hạt điều, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan… với giá trị tương đối lớn.

Những thông tin này được đưa ra tại cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Iran, diễn ra ngày 23/7, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp và Mỏ Iran tổ chức tại Hà Nội.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết trước đây, Iran từng nhập hàng trăm nghìn tấn gạo của Việt Nam mỗi năm. Hiện Việt Nam đã nối lại thị trường này với số lượng xuất khẩu hàng năm khoảng vài chục ngàn tấn gạo.

Năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Iran mới chỉ đạt khoảng 107 triệu USD, trong đó Iran xuất sang Việt Nam 60 triệu USD và nhập khẩu 47 triệu USD. Ông Khamvani, Phó chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp và Mỏ Iran nói: “Đây là một con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của hai quốc gia”.

Tuy nhiên, cũng theo ông, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp hai nước hiện nay là thiếu thông tin cập nhật về những sản phẩm, nhu cầu hợp tác, tập quán của mỗi nước.

Ông Khamvani cho rằng, trong thời gian tới, doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngân hàng, bảo hiểm và giao thông. Ông cũng đề xuất hai loại hình hợp tác ngân hàng giữa Việt Nam và Iran.

Cụ thể, thứ nhất, đó là áp dụng mô hình thanh toán của Hiệp hội Thanh toán Châu Á. Mô hình này đã được áp dụng phổ biến tại một số quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Pakistan… Các quốc gia áp dụng mô hình này sử dụng đồng tiền chung của Hiệp hội Thanh toán Châu Á.

Loại hình thứ hai là, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hoặc Iran có thể mở thư tín dụng, tạo thuận lợi hóa cho giao dịch ngân hàng dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Trung ương bằng đồng bản tệ, nhằm giảm chi phí và thời gian. Điều này sẽ loại bỏ rủi ro cho doanh nghiệp khi trao đổi thương mại thông qua đồng ngoại tệ thứ ba.

Ông Ghavam Shahidi, Đại sứ Iran tại Việt Nam bổ sung, hiện nay giao dịch thương mại Việt Nam - Iran chủ yếu thông qua các nước thứ ba hoặc qua con đường tiểu ngạch, và điều này không có lợi cho cả hai phía. Vì vậy, để nâng cao kim ngạch thương mại hai nước, hai nước cần làm sao để hàng hóa đến với nhau một cách trực tiếp mà không cần phải đi vòng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp, du lịch trong và ngoài nước, du lịch khám chữa bệnh là những lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế Iran. Nước này cũng cam kết sẽ hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài là các doanh nghiệp Việt Nam.

Đầu tháng 8 tới, hai bên dự kiến sẽ phối hợp tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp Iran - Việt Nam tại Tehran. Phía Iran cũng lên kế hoạch vào tháng 11/2008, sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp khác đến Hà Nội, tiếp tục tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.