17:27 14/06/2021

Tìm nguồn điện thay thế khi chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh và Lô B-Ô Môn chậm tiến độ

Huyền Vy

Dự án chuỗi khí - điện Lô B được triển khai nghiên cứu từ đầu những năm 2000, nhưng đến nay vẫn gần như dẫm chân tại chỗ, kéo theo các dự án điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn chậm tiến độ nhiều năm…

Dự án chuỗi khí - điện Lô B vẫn gần như dẫm chân tại chỗ.
Dự án chuỗi khí - điện Lô B vẫn gần như dẫm chân tại chỗ.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về “đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành Điện Việt Nam”.

Trong văn bản kiến nghị, VEA đã khuyến cáo việc tiếp tục chậm tiến độ chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh và Lô B - Ô Môn, đồng thời đề xuất các phương án nguồn điện thay thế, nếu các dự án nguồn điện này tiếp tục chậm tiếp tiến độ. 

HƠN 20 NĂM VẪN “DẬM CHÂN TẠI CHỖ”

Theo VEA, dự án chuỗi khí - điện Lô B được triển khai nghiên cứu từ đầu những năm 2000, nhưng đến nay vẫn gần như dẫm chân tại chỗ, kéo theo các dự án điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn (Ô Môn 2, 3 và 4 có tổng công suất 3.150 MW) chậm tiến độ nhiều năm.

Dự án Nhiệt điện Ô Môn 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư, đồng thời là chủ thể hợp đồng vay lại vốn ODA với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án hiện gặp khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN), có hai phương án thu xếp vốn cho dự án này:

Thứ nhất: Tiếp tục vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Nhưng để thực hiện theo phương án này cần phải bổ sung, sửa đổi Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 25/5/2020 quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị đầu tư và đầu tư cần theo quy định của nhà tài trợ vốn (JICA).

Thứ hai: Sử dụng vốn vay thương mại trong và ngoài nước, vốn ODA chuyển cho dự án khác. Theo phương án này, tiến độ phát điện dự kiến sẽ vào quý 3/2026, sớm hơn khoảng 1,5 năm so với phương án sử dụng vốn vay ODA do các thủ tục chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đã được xác định rõ ràng. Nhưng chi phí vay sẽ tăng thêm đáng kể, tác động đến giá thành sản xuất điện của dự án.

Rõ ràng là những vướng mắc tại dự án Ô Môn 3 sẽ ảnh hưởng đế tiến độ đưa khí Lô B vào bờ và các dự án điện khác trong Trung tâm Điện lực Ô Môn. Do đó, VEA kiến nghị sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để chuỗi dự án này không tiếp tục chậm trễ.

NHIỀU VƯỚNG MẮC CHƯA THỐNG NHẤT

Về dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, VEA cho biết trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8), dự án này sẽ được đưa vào vận hành năm 2025, cấp khí cho các nhà máy điện: Dung Quất 1, Dung Quất 2, Dung Quất 3 và các dự án Chu Lai 1 và Chu Lai 2.

Tuy nhiên, chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh hiện vẫn còn nhiều vướng mắc và chưa thống nhất được các vấn đề.

Dự án Cá Voi Xanh còn nhiều vướng mắc
Dự án Cá Voi Xanh còn nhiều vướng mắc

Thứ nhất, về thượng nguồn, ExxonMobil (Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Hoa Kỳ) đã gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) dự thảo báo cáo phát triển mỏ phiên bản B. Tuy nhiên, ExxonMobil cho rằng, hiện vẫn còn các vướng mắc về quy định pháp lý trong việc triển khai dự án, do đó, bản chính thức sẽ được trình cơ quan thẩm quyền khi có hướng dẫn rõ ràng.

Thứ hai, về lượng khí tiêu thụ, khả năng thực hiện bao tiêu do giới hạn số giờ vận hành và khả năng giao động cung cấp khí… cũng chưa được làm rõ.

Thứ ba, các quy định về chuyển giao bao tiêu khí từ Hợp đồng mua khí (GSA) sang cam kết huy động phát điện trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) còn nhiều vướng mắc.

Thứ tư, công tác đàm phán Hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và bảo lãnh Chính phủ (GGU) đối với dự án Nhà máy điện Dung Quất 2 còn tiềm ẩn rủi ro gây chậm trễ lớn.

Câu hỏi đặt ra là: Việc đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ vào năm 2025 có hiện thực không? Do đó, VEA cho rằng, cần phát triển nguồn điện thay thế, nếu các chuỗi dự án trên tiếp tục chậm tiến độ theo các phương án tính toán như sau:

Phương án 1: Các chuỗi dự án Lô B và Cá Voi Xanh đưa vào từ năm 2025, theo tiến độ đề xuất của Quy hoạch điện VIII; các dự án sử dụng khí hoá lỏng (LNG) đưa vào vận hành sau năm 2030.

Phương án 2: Dự án Nhà máy Ô Môn 3 đưa vào vận hành quý 1/2028 (tiếp tục sử dụng vốn vay ODA), còn các dự án: Ô Môn 2 và Ô Môn 4 vào vận hành năm 2027. Các chuỗi dự án khí - điện Lô B và Cá Voi Xanh chậm 2 năm so với đề xuất trong Quy hoạch điện VIII. Các dự án sử dụng khí hóa lỏng LNG đưa vào vận hành sau năm 2030.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC NGUỒN ĐIỆN THAY THẾ

Theo VEA, để đáp ứng nhu cầu điện theo dự báo của Quy hoạch điện 8, trường hợp các dự án điện sử dụng khí Lô B, Cá Voi Xanh và LNG vào chậm, cần đẩy nhanh tiến độ các nguồn điện sau:

Đối với dự án Nhiệt điện Long Phú 1, hiện đang vướng mắc do lệnh cấm vận của Mỹ đối với nhà thầu EPC Power Machines của Liên bang Nga dẫn đến nhà thầu phụ GE (Hoa Kỳ) ngừng cung cấp thiết bị. Dự án đã ngừng thi công từ tháng 1/2018 đến nay trong khi đã hoàn thành được 78% giá trị xây lắp của hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình).

Tuy nhiên, trong Quy hoạch điện VIII, dự án không được đưa vào cân đối trước năm 2030. Do đó, VEA đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ các khó khăn, hoặc quyết định thay thế nhà thầu Power Machines đưa dự án vào vận hành trong giai đoạn 2023 - 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu điện, giảm tổn thất lớn về tài sản nhà nước.

Còn đối với các dự án trong Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập (Quỳnh Lập 1 và Quỳnh Lập 2, mỗi nhà máy 2x600 MW) tại tỉnh Nghệ An, VEA đề xuất đưa dự án Quỳnh Lập 1 vào vận hành năm 2027 - 2028, Quỳnh Lập 2 vào vận hành năm 2029 (trong Phương án 1) và Phương án 2: Đưa dự án Quỳnh Lập 1 vào vận hành năm 2025 - 2026, Quỳnh Lập 2 năm 2026 - 2027.

Tuy nhiên, hiện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang gặp khó khăn về thu xếp vốn cho dự án điện Quỳnh Lập 1, vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập, VEA đề xuất giao EVN thay TKV thực hiện Quỳnh Lập 1 với 100% vốn, hoặc liên danh với TKV, EVN chiếm tỷ lệ chi phối.

Ngoài ra, VEA cũng kiến nghị việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhiệt điện An Khánh 2 (An Khánh Bắc Giang) và phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi.