12:02 19/12/2023

Tín hiệu giảm bán từ khối ngoại, dòng tiền trong nước thận trọng

Kim Phong

VN-Index chốt phiên sáng nay tiếp tục lùi về sát ngưỡng hỗ trợ của nhịp điều chỉnh cuối tháng 11 do áp lực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thanh khoản khớp lệnh 2 sàn nhích tăng nhẹ 5% so với sáng hôm qua nhưng vẫn dưới ngưỡng 5.000 tỷ đồng, phản ánh quan điểm giảm bán, nhưng dòng tiền mua lại quá thận trọng ở những ngày cuối cùng của năm. Khối ngoại đã giảm bán xuống mức thấp nhất 13 phiên...

Thanh khoản sáng nay kém nhưng trong nhóm thu hút dòng tiền tốt nhất vẫn có nhiều mã giữ được mức tăng trên tham chiếu.
Thanh khoản sáng nay kém nhưng trong nhóm thu hút dòng tiền tốt nhất vẫn có nhiều mã giữ được mức tăng trên tham chiếu.

VN-Index chốt phiên sáng nay tiếp tục lùi về sát ngưỡng hỗ trợ của nhịp điều chỉnh cuối tháng 11 do áp lực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thanh khoản khớp lệnh 2 sàn nhích tăng nhẹ 5% so với sáng hôm qua nhưng vẫn dưới ngưỡng 5.000 tỷ đồng, phản ánh quan điểm giảm bán, nhưng dòng tiền mua lại quá thận trọng ở những ngày cuối cùng của năm. Khối ngoại đã giảm bán xuống mức thấp nhất 13 phiên.

Tính theo mức đóng cửa, VN-Index kết thúc phiên sáng ở mức 1.087,35 điểm tương đương với mức chốt thấp nhất ngày 27/11 (1.088,06 điểm). Điểm thấp nhất chỉ số chạm tới phiên này là 1.084,76, cũng gần sát mốc 1080 điểm, ngưỡng hỗ trợ vốn được kiểm định hai lần trong tháng 11.

Áp lực chính của chỉ số sáng nay là nhóm trụ: Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index, chỉ HPG tăng nhẹ 0,19%, còn lại toàn giảm, với 3 mã giảm mạnh là VHM giảm 1%, GAS giảm 1,19% và VPB giảm 1,36%. Ngoài ra BID và VIC cũng khá yếu, giảm tương ứng 0,98% và 0,81%. VN-Index để mất 4,53 điểm (-0,41%) thì tới 4 điểm là mức giảm sâu nhất từ 10 mã hàng đầu.

Dù vậy độ rộng thị trường vẫn đang thể hiện áp lực giảm giá chung, HoSE kết phiên sáng với 131 mã tăng/295 mã giảm. Đầu phiên VN-Index vẫn có một nhịp vượt tham chiếu, đạt đỉnh lúc 9h48, tăng gần 2 điểm, độ rộng đạt 228 mã tăng/121 mã giảm. Sự thay đổi của độ rộng trong thời gian còn lại cho thấy cổ phiếu bắt đầu hạ độ cao. Tuy vậy HoSE chỉ tăng giao dịch chưa tới 3% so với sáng hôm qua, đạt hơn 4.534 tỷ đồng thể hiện áp lực bán vẫn không gia tăng, chủ yếu là do bên mua thoái lui nên cầu đỡ gần tham chiếu suy yếu.

Tín hiệu giảm bán từ khối ngoại, dòng tiền trong nước thận trọng - Ảnh 1

Từ phía bán, đáng chú ý nhất là giao dịch hạ nhiệt của nhà đầu tư nước ngoài. Sáng nay tổng quy mô bán trên HoSE chỉ còn khoảng 525,3 tỷ đồng, giảm 43% so với sáng hôm qua và ở mức thấp nhất trong 13 phiên sáng gần đây. Khối này giảm cường độ bán là một tín hiệu tốt, vì nếu đợt rút vốn đang diễn ra thì có thể kết thúc vào thời điểm cuối năm, khi các nhu cầu tái cơ cấu vốn sẽ xong để sẵn sàng cho năm 2024.

Mức bán ròng ở HoSE sáng nay ghi nhận -173,1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bán ròng thỏa thuận EIB với 113,7 tỷ đồng. Phía mua khối này đã quay lại chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 154,4 tỷ đồng ròng. Các giao dịch còn lại đều nhỏ, chỉ VNM là cổ phiếu duy nhất bị bán ròng trên 20 tỷ.

Giao dịch chậm lại của khối ngoại và thanh khoản chung tăng không đáng kể vẫn là tín hiệu chững lại của dòng tiền trong nước. Hôm nay là phiên sáng thứ 2 liên tục hai sàn khớp lệnh dưới ngưỡng 5 ngàn tỷ đồng. Sau tuần tái cơ cấu ETF, thị trường được trông đợi sẽ có dòng tiền phục hồi trở lại rõ nét hơn, nhưng điều đó chưa xảy ra. Có thể quan điểm nghỉ ngơi những tuần cuối năm đang chi phối và nhất là cơ hội đầu cơ ngắn hạn quá nhỏ khiến các nhà đầu tư cũng chán nản.

Dòng tiền mua đỡ khá yếu sáng nay gần vùng tham chiếu khiến độ rộng co hẹp đáng kể, nhưng lực bán yếu cũng phản ánh lên biên độ dao động giá. Toàn sàn HoSE chỉ có 74 mã đang giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 20% tổng khớp của sàn. Giao dịch đáng chú ý chỉ có HAG khi mã này giảm sàn với thanh khoản lên tới 269,3 tỷ đồng. Cổ phiếu này vẫn đang dư bán sàn 11,83 triệu đơn vị. Đây là hệ quả của nhịp tăng tới trên 84% kể từ đáy tháng 10 tới đỉnh giữa tháng 12 này. Các mã còn lại chỉ thanh khoản trong khoảng 50-70 tỷ đồng như DBC, DGC, ITA, HQC…

Phía tăng đang có 131 cổ phiếu nhưng chỉ 36 mã tăng trên 1% và chủ yếu là thanh khoản nhỏ. Đáng kể có HNG tăng 5,17% với 33,5 tỷ; PVT tăng 1,98% với 37 tỷ; VHC tăng 1,57% với 44,9 tỷ; NKG tăng 1,32% với 63,8 tỷ; EIB tăng 1,12% với 106,3 tỷ…

VN30-Index hiện đang diễn biến gần giống VN-Index và cũng quay về đáy hồi tháng 11. Chỉ số đại diện nhóm blue-chips này giảm 0,32% với 7 mã tăng/18 mã giảm. Hầu hết nhóm giảm cũng dao động hẹp, chỉ 4 mã giảm từ 1% trở lên là BCM, VPB, GAS và VHM.