06:00 05/06/2022

Tình hình kinh tế - xã hội qua “lăng kính” Quốc hội.

Nguyễn Quốc Uy

Xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn để định ra đường hướng phát triển đất nước theo chiến lược Đảng đã thông qua luôn là một trong những nội dung quan trọng nhất thuộc chương trình nghị sự của mỗi kỳ họp Quốc hội...

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 23/5 và dự kiến bế mạc ngày 16/6/2022, đã dành trọn 2 ngày đầu tiên của tháng 6 này cho nội dung nói trên mà trọng tâm thảo luận là báo cáo của Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, trình bày trước Quốc hội ngày 23/5.

Những nhận định, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 và ước thực hiện cả năm 2021,  được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm ngoái), nay nhìn lại thấy về cơ bản là phù hợp, với 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021; một số chỉ tiêu hoặc chỉ số đạt cao hơn hoặc tốt hơn so với số đã báo cáo kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (số đã báo cáo), như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 1,84% (số đã báo cáo khoảng 4%), bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) là 3,41% GDP (số đã báo cáo là 4%), trong đó, thu NSNN tăng 16,8% dự toán (số đã báo cáo là 1,7%),  kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% (số đã báo cáo là 10,7%); xuất siêu đạt 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu 2 tỷ USD)…

Rõ ràng kết quả phát triển kinh tế - xã hội thực đạt trong năm 2021 – năm mà dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề nhất cho đất nước ta về mặt kinh tế - xã hội –  đã tốt hơn số ước thực hiện, theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội hồi cuối năm ngoái. Những kết quả này, cùng với thành công trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đã tạo tiền đề quan trọng để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số  43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ).

Nhờ thế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2022 nói riêng và 5 tháng đầu năm nói chung đều tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, dẫu vướng phải nhiều yếu tố không thuận từ tình hình quốc tế (giá xăng dầu và nhiều loại nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine và hệ lụy từ hành động trừng phạt kinh tế mà Mỹ và EU áp đặt chống Nga…).

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước qua báo cáo của Chính phủ, đồng thời dựa vào thực tế qua công tác giám sát và tiếp xúc với cử tri, các đại biểu Quốc hội về cơ bản tán thành những nhận định, đánh giá của Chính phủ, nhưng cũng không khỏi băn khoăn, thậm chí bày tỏ sự sốt ruột trước những khó khăn, hạn chế xuất hiện từ thực tiễn điều hành nền kinh tế, như tốc độ giải ngân chậm đối với gói hỗ trợ và kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, hoặc những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, hoặc vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà qua gần 5 năm thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa XIV vẫn chưa xong (nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021 vẫn ở mức cao: 412.700 tỷ đồng), rồi vấn đề giá xăng dầu và nhiều loại nguyên vật liệu tăng cao, áp lực lạm phát …

Lãnh đạo và nhiều thành viên Chính phủ đã giải trình những vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra trong quá trình thảo luận. Những giải trình này được Quốc hội lắng nghe, tranh luận và phản biện mà nhiều lúc, như báo chí thường mô tả, đã làm “nóng” nghị trường.  Tuy nhiên, tất cả đều toát lên một tinh thần trách nhiệm chung vì sự phát triển của đất nước.

Cũng với tinh thần trách nhiệm chung ấy, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình điều hành thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, chẳng hạn như đề nghị Quốc hội, ngay tại kỳ họp này, giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét,  quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2022 để giảm áp lực tăng giá thêm đối mặt hàng chiến lược này mà hiện đang ở mức cao kỷ lục (cả hai loại xăng E5RON92 và RON95-III đều đã vượt mốc 30.000đ/lít kể từ đợt điều chỉnh giá chiều ngày 1/6/2022).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội luôn được triển khai thực hiện với tinh thần cộng đồng trách nhiệm chung của Chính phủ và Quốc hội nói riêng, cũng như của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nói chung, cùng sự đồng lòng hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân. Đó chính là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.<