“Tòa không xử, để dân tự xử còn nguy hiểm hơn”
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dân đã kiện thì tòa phải xử
Một điểm rất đáng chú ý liên quan đến bộ luật này là qua nhiều lần lấy ý kiến, thảo luận, Tòa án Nhân dân tối cao vẫn kiên trì trình, còn đa số ý kiến tại Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra - cũng kiên quyết đề nghị bỏ quy định “tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Theo đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra là kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống án lệ, nơi mà tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở Việt Nam, án lệ không phải là nguồn luật, tòa án nhân dân xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật, Vì vậy, quy định như dự thảo không phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
"Tôi là thiểu số, Ủy ban Tư pháp không nhất trí nhưng tôi nhất trí", ông Hồng bày tỏ.
Nhất trí, bởi theo đại biểu Hồng, thiếu luật không phải là trách nhiệm của dân, hơn nữa có nhiều cơ sở để xét xử, kể cả là án lệ, dù án lệ không là nguồn chính thức, để đảm bảo công bằng cho dân.
Nhiều vị đại biểu khác cũng nhất trí với quan điểm của ban soạn thảo dự án luật.
Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định, đại biểu Đặng Công Lý nêu thực tế kinh tế càng phát triển thì tranh chấp dân sự càng tăng.
Và ông hoàn toàn đồng ý rằng tòa án không thể viện lý do kêu là không có luật thì không giải quyết, để dân đi hết nơi này nơi khác mà không ai nhận giải quyết.
Ông Lý cũng không đồng ý với ý kiến cho rằng áp dụng án lệ trong xét xử có thể dẫn đến tùy tiện, vì thẩm phán chả ai dám làm tùy tiện. Và nếu việc phức tạp thì kiến nghị lên Quốc hội. Còn việc đơn giản thì áp dụng việc tương tự, việc đơn giản của dân không giải quyết thì vô lý, ông Lý nhấn mạnh.
Người dân có yêu cầu mà mình từ chối giải quyết là không được, đại biểu Triệu Là Pham đồng tình.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình thì đời sống xã hội rất phong phú, muôn hình muôn vẻ, quy định của pháp luật không bao giờ theo kịp. Điều chỉnh các quan hệ dân sự quy định 5000 điều có khi không hết.
Và thực tế là tòa để cho nhàn, để cho đỡ rủi ro thì những điều không có trong luật họ từ chối xét xử. “Đó là cách để xã hội ứng xử bằng luật rừng. Cái này rất nguy hiểm”, ông Bình nói.
Nhấn mạnh đây là nguyên tắc mới được tòa đưa vào và Ủy ban Tư pháp chưa hẳn ủng hộ, ông Bình nhận xét, “cơ quan thẩm tra cái nào cũng nói cần thận trọng, đọc lại chỗ này thì thấy nhiều cái thận trọng quá”.
Ông khẳng định quan điểm cá nhân là cần đưa ra nguyên tắc: tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
“Dân đã kiện thì tòa phải xử. Nếu không có luật thì chúng ta vận dụng tương tự và vận dụng theo lẽ phải”, Viện trưởng Bình phát biểu.
Với tổng số 491
điều, trong đó sửa đổi bổ sung 238 điều, bổ sung mới 76 điều, Bộ Luật Tố
tung dân sự (sửa đổi) được cho là rất đồ sộ, quan trọng. Nhưng sáng 23/5 một số tổ chỉ thảo
luận đến 9h30, sau đó giải lao rồi nghỉ luôn, dù thời gian làm việc buổi sáng của Quốc hội đến 11h30 mới kết thúc.