17:04 24/11/2014

Viện kiểm sát sẽ không có quyền khởi tố vụ án dân sự

Nguyễn Lê

Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ 1/6/2015

Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại Hà Nội.<br>
Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại Hà Nội.<br>
Với 82,70% phiếu thuận, chiều 24/11 Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015.

Thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của viện kiểm sát nhân dân là một trong những nội dung còn quan điểm trái chiều, khi hoàn thiện dự thảo luật.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội không tán thành giao cho viện kiếm sát nhân dân thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, vì không phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt của đương sự và Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Ngược lại, các ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền này cho rằng làm như vậy là để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Trường hợp viện kiếm sát nhân dân khởi tố thì viện kiếm sát nhân dân đồng thời là nguyên đơn dân sự.

Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có 197/351 phiếu xin ý kiến (chiếm 56,13%) tán thành bổ sung và 154 phiếu không tán thành (chiếm 43,87%). Nếu tính trên tổng số đại biểu Quốc hội thì số tán thành mới chiếm 39,6%.

Với lập luận, để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành đã giao cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội không quy định viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự.

Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về thẩm quyền cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương cũng đã được chỉnh lý.

Cụ thể, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
 
Sau khi thông qua luật, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân.

Theo nghị quyết, từ 1/2/2015 đến ngày luật có hiệu lực, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các viện kiểm sát nhân dân cấp cao, là chế định mới trong dự thảo luật.

Và theo quy định của luật thì viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thôi làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ án thuộc thẩm quyền của viện kiểm sát nhân dân cấp huyện mà nhiệm vụ này được giao cho viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có trách nhiệm chỉ đạo viện kiểm sát nhân dân cấp huyện để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết.