Tốc độ phát triển nhà ở dành cho người lao động chậm
Cả nước hiện có trên 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhà ở dành cho người lao động còn chậm, trong đó có nhiều người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở…
Thông tin được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu trong văn bản số 4703 ngày 4/8 về việc phối hợp đẩy nhanh thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động gửi đến các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương và tương đương; công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, trên địa bàn cả nước có trên 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất; nơi tập trung đông công nhân lao động, tuy nhiên, tốc độ phát triển nhà ở dành cho người lao động còn chậm. Trong số đó có nhiều người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở hoặc có chỗ ở nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp.
Trước tình hình đó, ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (gọi tắt là Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg) rất kịp thời và cần thiết để hỗ trợ, giải quyết phần nào khó khăn về chỗ ở đối với người lao động.
Để đảm bảo thực hiện hoàn thành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg trong tháng 8/2022 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn khẩn trương chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc, kiến nghị và phối hợp với chủ doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Chính phủ về việc người lao động được hỗ trợ thuê nhà, như là: Đối tượng, các điều kiện quy định về mức hỗ trợ và trình tự thủ tục về hồ sơ…
Cùng với đó, chủ động đề xuất, kiến nghị và phối hợp hỗ trợ với chủ doanh nghiệp triển khai về việc lập danh sách, các biểu mẫu đăng ký thủ tục thực hiện hỗ trợ. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Kiến nghị và phối hợp với chính quyền đồng cấp giải quyết các vướng mắc phát sinh về trình tự thủ tục hồ sơ của người lao động để kịp thời được hỗ trợ.
Cuối tháng 3/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/QĐ-TTg về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, hai đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê có khoảng 3,4 triệu lao động thuộc diện thụ hưởng của gói hỗ trợ này với kinh phí 6.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 2/8/2022, đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội mới xác nhận cho 34.865 đơn vị với 2.957.609 lao động tại 61 tỉnh, thành phố có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng, đã xác nhận cho 10.444 đơn vị với 174.529 lao động tại 50 tỉnh, thành phố có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay mới có 31 địa phương đã giải ngân hỗ trợ 356 tỷ đồng cho trên 620.000 lao động. Hiện còn 29 địa phương chưa thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ.