14:27 16/11/2011

“Tôi chưa cập nhật chuyện Vinashin bị kiện”

Nguyên Vũ

Phản hồi từ Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ về thông tin Vinashin bị kiện tại Anh

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được một nhóm các nhà cho vay quốc tế cấp cho khoản vay 600 triệu USD vào năm 2007 - Ảnh: SGTT.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được một nhóm các nhà cho vay quốc tế cấp cho khoản vay 600 triệu USD vào năm 2007 - Ảnh: SGTT.
“Chính phủ vừa có báo cáo cụ thể đến Quốc hội về tình hình của Vinashin, còn việc Vinashin bị công ty nước ngoài kiện thì cá nhân tôi chưa cập nhật”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho VnEconomy biết tại cuộc trao đổi rất ngắn với báo chí, bên hành lang Quốc hội sáng nay (16/11).

Trước đó, theo một số hãng tin nước ngoài, liên quan đến khoản vay 600 triệu USD mà Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được một nhóm các nhà cho vay quốc tế cấp cho vào năm 2007, hồi đầu tháng này, Vinashin cùng hơn 20 tổng công ty, công ty con của tập đoàn tại Việt Nam đã bị khởi kiện tại tòa ở London (Anh), với bên nguyên đơn khởi kiện là công ty Elliott VIN (Hà Lan) B.V.

Từ cuối năm 2008, lãnh đạo Vinashin đã phải họp với các chủ nợ để giải trình phương án kinh doanh vượt qua giai đoạn kinh tế suy thoái do tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới, cũng như khả năng đảm bảo trả nợ cho khoản vay. Vinashin cũng từng đưa ra đề xuất hoãn trả nợ đợt 1 trị giá 60 triệu USD trong khoản nợ 600 triệu USD nói trên, khi thời hạn trả đợt 1 là ngày 20/12/2010 đến gần.

Trong một diễn biến khác, theo nguồn tin từ báo Sài Gòn Tiếp Thị, chiều ngày 14/11 bên hành lang Quốc hội, xung quanh vụ việc này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay: vụ kiện liên quan đến khoản tiền Vinashin tự đi vay và không có bảo lãnh của Chính phủ, vì vậy “Vinashin phải lo, Vinashin tự vay thì Vinashin phải tự trả thôi”.

Khi được hỏi, nếu vụ kiện không chỉ có Vinashin là bị đơn duy nhất mà trong trường hợp có cả công ty con đã di chuyển sang tập đoàn khác thì sao, ông Vũ Văn Ninh nói rằng “cần phải xem xét cụ thể nội dung kiện là gì” và theo ông, “việc này Vinashin phải xem xét, đồng thời xem xét lại tất cả pháp luật có liên quan, và Vinashin đang lập phương án xử lý”.

Sài Gòn Tiếp Thị cũng trích dẫn ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 15/11, rằng theo thông tin mà ông Thành có được, thì công ty Elliott VIN của Hà Lan đâm đơn kiện Vinashin là chủ nợ của khoảng 9% trong số khoản nợ nước ngoài 600 triệu USD của Vinashin, và công ty này mua lại trên thị trường mua bán nợ thứ cấp chứ không phải là chủ nợ đầu tiên.

“Dù họ kiện chỉ 9% khoản nợ nói trên, tức khoảng 54 - 60 triệu USD, nhưng nếu kiện thì có khả năng họ sẽ thắng và sức lan toả của vụ kiện sẽ rất lớn, nó sẽ làm cho chỉ số tín nhiệm về nợ của Chính phủ ta giảm xuống, sẽ khó đi vay trên thị trường tín dụng quốc tế hoặc đi vay được nhưng sẽ chịu lãi suất cao, ví như đáng ra ta chỉ phát hành trái phiếu hay vay với lãi suất 8% thì nay phải chịu lãi 12%”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, bản chất vụ việc không chỉ dừng lại ở số tiền thua kiện mà có thể “vì cái nhỏ sẽ mất cái lớn hơn” nếu một khi vụ kiện xảy ra, cho nên, “dù đây là khoản tiền không có bảo lãnh của Chính phủ, nghĩa là Chính phủ không phải trả thay, nhưng Chính phủ phải bằng cách này hay cách khác, ví dụ cho Vinashin tạm ứng (vay) để trả nợ. Song, khi đó, Chính phủ phải công khai, minh bạch cho Quốc hội và nhân dân được biết”.

Liên quan đến một số vấn đề khác đang được bàn thảo sôi nổi tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, mới hôm qua Bộ Tài chính đã chủ trì hội thảo về tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chiều nay, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng họp xem xét vấn đề này.

Về lộ trình để thực hiện một tái cơ cấu nền kinh tế, ông Huệ cho hay, nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng vừa rồi đã giao cho 3 cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tái cấu trúc đầu tư công, các bộ ngành khác cùng phối hợp. Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước thì do Bộ Tài chính chủ trì. Còn đề án tái cấu trúc ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, cùng phối hợp với các bộ ngành.

“Chính phủ cũng yêu cầu trong kỳ họp tháng 11 này báo cáo kết quả bước đầu về việc xây dựng đề án này. Chúng tôi đang rất tích cực làm, tới đây cũng sẽ có nhiều hội thảo khác về đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng Huệ nói.

Những vấn đề cụ thể hơn về mục tiêu, phạm vi, nội dung và lộ trình tái cấu trúc, theo ông Huệ “còn là cả một vấn đề phải bàn, chưa thể nói ngay bây giờ”.

Với câu hỏi về vấn đề kiên quyết thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn như Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Huệ cũng trả lời rằng “chưa thể nói gì vì đề án tái cấu trúc không thể chỉ nói trong một câu, phải bình tĩnh, chờ”.

Trong phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, ông Huệ cũng cho biết một thông tin rất quan trọng là trong tuần tới, kết quả kiểm tra kinh doanh xăng dầu chắc chắn sẽ được báo cáo.