16:58 04/08/2015

Tôi đã chọn "Khí công Himalaya" để sống chung với bệnh tiểu đường tuýp II

PV

Kiểm soát được bệnh có nghĩa là bạn vẫn sống vui, sống khoẻ với nhận thức là bệnh vẫn ở trong người bạn – cho dù chỉ số của bạn đẹp như mơ và bạn đã quên mất rằng lưng, mông và chân bạn đã từng đau đớn tê dại. Kiểm soát bệnh có nghĩa là dù có bệnh trong người, nhưng bạn không để bệnh tật nó ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, thậm chí tuổi thọ của bạn... Bạn nên biết rằng rất nhiều người bị bệnh tiểu đường, nhưng điều đó không cản trở họ trở thành các vận động viên bơi lội, chạy marathon (42 km) và có người đã đạt huy chương. Người bị bệnh tiểu đường vẫn có thể tham gia các hoạt động thể lực như dã ngoại, leo núi, đạp xe đường trường!!!

Tôi đã chọn "Khí công Himalaya" để sống chung với bệnh tiểu đường tuýp II - Ảnh 1

Có nhiều người tuyên bố đã khỏi hoặc đã chữa khỏi bệnh tiểu đường tuýp II. Nhưng một khi đã quá một ngưỡng để đến mức bị bệnh, tình trạng khỏi bệnh chỉ là tạm thời. Nhiều người sau khi mới bị bệnh tiểu đường còn được trải qua giai đoạn gọi là “tuần trăng mật”, nghĩa là chẳng phải kiêng khem, chữa trị gì mà đường huyết vẫn bình thường như người khoẻ mạnh. Giai đoạn “tuần trăng mật” có thể kéo dài vài tuần, vài tháng, thậm chí đến vài năm, nhưng không phải mãi mãi... Hơn nữa, cho dù bạn đã hết toàn bộ các triệu chứng bệnh tật trong một thời gian dài, nhưng nếu giữ nguyên lối sống và bộ gien đó trong người, bệnh tiểu đường lúc nào cũng rình rập chỉ chờ dịp quay trở lại, mạnh hơn xưa, sau một vài tác động nhỏ như một trận cảm cúm, hoặc căng thẳng tâm lý chẳng hạn. Bạn hãy thay đổi quan niệm để thuyết phục mình và người nhà rằng đừng tìm phương án chữa khỏi bệnh, hãy chấp nhận mình có bệnh để sống chung với nó và kiểm soát nó – và quan trọng là nhiều người đã làm được điều đó!!! Bạn hãy tìm kiếm “the 5% club” (đó là câu lạc bộ 5% - là những người bị mắc bệnh tiểu đường đã tìm cách duy trì liên tục được chỉ số tiểu đường ở mức vô cùng khoẻ mạnh khoảng 5,2 – 5,5 mmol/l). Bài viết dưới đây của tôi chủ yếu chia sẻ trải nhiệm sau 1 năm phát hiện mình bị bệnh tiểu đường. 

Tôi đã chọn "Khí công Himalaya" để sống chung với bệnh tiểu đường tuýp II - Ảnh 2

“Dính” tiểu đường và các nguy cơ biến chứng Tôi phát hiện mình bị bệnh tiểu đường đã được một năm, đúng vào ngày sinh nhật thứ 39 (tháng 3/2014). Mặc dù đã có những nghi ngờ trước đó, nhưng tôi đã không khỏi thất vọng khi chị bác sỹ ái ngại nói rằng em đã bị bệnh tiểu đường, với chỉ số đường huyết khá cao (14 mmol/l), cùng với tình trạng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, sỏi thận khiến cho đài bể thận bị dãn... Chị bác sỹ hỏi thăm thêm xem tôi có vấn đề gì về sức khoẻ nữa không... Tôi chia sẻ thêm là hồi bé tôi bị yếu gan bẩm sinh. Cách đây khoảng hơn 10 năm, tôi bị đau thượng vị sau một đợt căng thẳng. Mấy năm sau đó tôi bị cơn đau quặn thận, nhưng viên sỏi đã ra và tôi đã hết đau trong nhiều năm nay. Năm 2010, tôi phát hiện thoái hoá đốt sống L4, L5 sau một chuyến đi dài.... Chị bác sỹ thở dài và nói “em còn trẻ quá mà đã mắc tiểu đường, chị sẽ ưu tiên giải quyết bệnh tiểu đường trước cho em”. Cầm kết quả khám bệnh trong tay mà tôi không biết nên khóc hay nên cười, tôi chạy ngay sang một phòng khám khác để xét nhiệm lại. Kết quả vẫn như thế! Tôi cũng biết khá khá về bệnh tiểu đường. Trước đó 7 năm ba tôi đã mất vì bệnh tiểu đường biến chứng sang lao phổi, suy thận, suy tim... Tôi không quá sợ chết vì gần đây tôi đã học được một điều là không có mình thì trái đất vẫn quay... Nhưng tôi đã phung phí quá hết tuổi trẻ và sức khoẻ của mình vào những trò vô bổ biết bao năm qua. Bây giờ là lúc tôi cần sức khoẻ để trả nợ và bắt đầu gây dựng lại mọi thứ thì sức khoẻ có lẽ đã cạn. Tôi còn nhiều vùng đất chưa được đặt chân đến và nhiều việc chưa làm xong. Tôi không thể trở thành con bệnh và chất thêm gánh nặng cho người thân....

Tôi đã chọn "Khí công Himalaya" để sống chung với bệnh tiểu đường tuýp II - Ảnh 3

Những năm trước đó, tôi có thói quen thức rất khuya, ăn ngủ theo cảm hứng, nghiện nặng thuốc lá, cà phê, hầu như không tập tành thể lực, tham gia khá đầy đủ những món có hại cho sức khoẻ khác. Tôi cũng bị cuốn theo cơn lốc chứng khoán, nhà cửa... dẫn đến kết quả là nợ nần tùm lum, đầu óc căng thẳng... Từ năm 2009, tôi quay sang cày như điên để trả nợ... Hầu hết thời gian của tôi dành cho màn hình máy tính. Vòng bụng của tôi ngày một to ra. Từ khi còn là một cậu bé gày gò trên 40 kg lúc mới ra trường, tôi đã phấn đấu lên được đến đỉnh điểm là 82 kg, còn lúc trước khi bị bệnh là 78 kg. Chung sống với bệnh bằng môn chạy Qua giai đoạn tâm lý ban đầu là phủ định, tôi bước sang giai đoạn trăn trở và chấp nhận là mình bị bệnh. Tôi lao vào tìm hiểu thêm về bệnh tiểu đường. Điều may mắn là hiện nay có rất nhiều thông tin chia sẻ về căn bệnh này nếu bạn biết tiếng Anh (tham khảo các trang web về hiệp hội tiểu đường của Anh, Mỹ, Canada, Úc... bên dưới) Để kiểm soát bệnh tiểu đường, cơ bản bạn cần phải dựa trên phương pháp kiềng ba chân gồm: (i) thuốc, (ii) ăn uống, (iii) vận động thể lực. Thuốc là việc của bác sỹ, ngoài sự kiểm soát của bạn. Nhưng việc ăn uống và vận động thể lực thì chính bạn phải tự kiểm soát chứ bác sỹ không giúp được. Qua tìm hiểu trên mạng, tôi vui mừng nhận thấy có một bộ phận khá đông bệnh nhân tiểu đường phương tây quyết tâm không lệ thuộc vào thuốc và tìm cách kiểm soát chỉ số đường huyết của mình bằng ăn uống và chủ yếu là vận động. Có những người làm tốt đến mức không cần dùng thuốc và kiêng khem nhưng chỉ số đường huyết như người hoàn toàn khoẻ mạnh (xem các trang web liên quan bên dưới, đặc biệt là http://www.notmedicatedyet.com).

Tôi đã chọn "Khí công Himalaya" để sống chung với bệnh tiểu đường tuýp II - Ảnh 4

[Một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh tiểu đường không phải là bệnh chuyển hoá ăn uống, mà là bệnh về máu. Người tiểu đường tuýp II bị đường huyết cao là do tế bào kháng lại insulin (có thể do bị chất béo chặn lại...) khiến cho tế bào không tiếp nhận được đường ở trong máu. Tuyến tuỵ của bạn nhận được tín hiệu cứ phải tạo ra thật nhiều insulin đến lúc suy kiệt. Đường trong máu cao khiến cho máu trở nên dễ dính, làm tăng mỡ máu và nhanh chóng làm hỏng các mạch máu nhỏ nhất ở thận, võng mạc mắt và đầu chi, gây ra mù loà, suy thận, lở loét chân... và đặc biệt là toàn bộ hệ tim mạch bị hỏng rất nhanh. Khi bạn vận động cơ bắp, tế bào buộc phải đốt năng lượng, và làm tăng độ nhạy insulin, giảm mỡ máu. Khi nhu cầu cung cấp insulin giảm xống, tuyến tuỵ sẽ được giảm tải, chức năng tuỵ thoái hoá chậm lại.] Để vận động thể lực, ban đầu tôi chọn môn chạy vì chạy là môn dễ dàng nhất, bạn chỉ cần một đôi giày tốt là có thể chạy, bất kỳ lúc nào, ở đâu. Do đã lâu không vận động thể lực, ngày đầu tiên tôi quyết tâm dậy sớm và chạy được không quá 500 m, tôi buồn bã cố đi bộ hết vòng hồ vì cảm thấy sức khoẻ mình yếu quá. Những ngày sau, tôi bỏ dần thuốc lá và cố gắng nâng dần khoảng cách chạy bộ đều đặn mỗi ngày. Do có sự vận động cơ thể và chắc là do có sự hỗ trợ của thuốc mỡ máu và tiểu đường nên tôi ngừng hút thuốc mà không gặp nhiều trở ngại. Sau một tháng, tôi đã có thể chạy được khoảng trên 1 km và đi bộ thêm khoảng nửa tiếng. Khoảng 2-3 tháng sau, tôi đã nâng được quãng đường chạy bộ lên khoảng 2,5 km. Tôi nghĩ có lẽ đó là giới hạn của mình rồi. Chạy bộ ban đầu đem lại kết quả khá khả quan. Trong vòng một tháng, chỉ số đường huyết của tôi được kiểm soát ở mức khoảng 7 mmol/l – nếu cứ duy trì ở mức này trở xuống thì tôi hầu như sẽ không bị biến chứng. Chỉ số HbA1C vẫn cao 8,1 mmol/l (HbA1C nôm na là chỉ số đo lượng đường đọng trong tế bào máu gây ra sự kết dính – vì đường đã chui hẳn vào tế bào máu nên chỉ số này chỉ thay đổi sau 3 tháng khi tế bào đó chết đi và bị thay thế). Các chỉ số mỡ máu của tôi trở về bình thường. Tôi cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng hơn trước khi phát hiện ra bệnh, nhưng cũng nhận thấy mình đã bị yếu đi quá nhiều.

Tôi đã chọn "Khí công Himalaya" để sống chung với bệnh tiểu đường tuýp II - Ảnh 5

Vì đã lâu không vận động nên tôi gặp tất cả những vấn đề của người mới tập chạy bộ. Một vấn đề ít người để ý là người mới chạy bộ rất dễ bị đi ngoài khi bước chân ra đường chạy... Lý do là cơ thể chưa quen vận động mạnh, do giờ sinh hoạt và nhiệt độ cơ thể bị thay đổi đột ngột... Cách giải quyết là cố gắng đi vệ sinh trước khi chạy, nhưng dù sao cơ thể cũng sẽ thích ứng dần trong vòng 1 tháng. Vấn đề thứ hai là xóc bụng. Tôi bị đau nhói ở vùng bụng phải, rồi bụng trái sau khi chạy khoảng 0,5 – 1 km. Cách giải quyết là tiếp tục chạy với tốc độ chậm lại, cố gắng chạy thẳng người và hít thở thật sâu, cơn đau sẽ hết sau khoảng 15 phút... Sau một thời gian chạy đều, cơn xóc bụng sẽ hết đi... Vấn đề thứ ba (về sau tôi gặp phải) là khi chạy nhiều thì chỉ số đường huyết lại cao vọt lên sau đó và tôi giảm cân rất nhanh. Lý do là tế bào thiếu năng lượng nên nó phải dùng mỡ và đạm thay thế cho đường, đồng thời nó phát tín hiệu cho gan sản suất thêm thật nhiều đường, làm tăng đường huyết. Tuy nhiên, tôi không quá lo lắng về vấn đề này. Đường huyết tăng vọt sau vận động (đừng cao quá mức) sẽ tự động điều chỉnh giảm khá nhanh sau một thời gian (không bám nhiều vào tế bào máu). Vấn đề thứ tư vô cùng nan giải và khó nghĩ. Đó là đau khớp gối và khớp gót. Sau khi đã chạy được khoảng 1-2 km, đầu gối trái của tôi rất đau... về sau thì gót phải bị đau, có khi cả ngày có khi đi khập khiễng... Có người khuyên tôi dùng glucosamine hoặc bỏ chạy bộ, nhưng tôi không nghe. Tôi cũng đã mua nhiều giày chạy đắt tiền, nhưng cũng chưa ăn thua. Đến với khí công HIMALAYA Tôi tâm sự với bạn của tôi rằng có lẽ mình không thể chạy được lâu vì cường độ quá nặng... Mình phải học một môn gì đó mềm mại như Thái Cực Quyền để khi nào người trở nên yếu, không đủ sức chạy vẫn có thể vận động thể lực. Bạn tôi ủng hộ và giới thiệu có lớp KHÍ CÔNG HIMALAYA nghe nói rất tốt, bạn đang định đi học... Lúc đó tôi vẫn nghĩ là Thái Cực Quyền phù hợp hơn. Tôi mới gặp một anh học Thái Cực Quyền từ lâu, anh ấy biểu diễn cho tôi xem mấy động tác rất tốt cho lưng và tôi thấy tốt cho cơ thể mình. Bạn tôi thuyết phục tôi cứ học 10 buổi xem sao rồi sang học Thái Cực Quyền vẫn chưa muộn. Tôi bàn với bạn là bạn đi học trước, còn tôi đi công tác về sẽ quyết định xem nên học khí công hay không. Sau khi học xong, bạn tôi chỉ trả lời ngắn gọn là “anh không những nên học, mà phải học”... Vậy là tôi nhờ bạn ghi danh vào lớp N chờ ngày đi học. Bài đầu tiên thầy dạy là bài Vạn bộ trường sinh, tốt cho lưng, thận âm, thận dương... “Nghe chừng món này có vẻ hợp với mình đây”, tôi tập một cách khá dễ dàng và hào hứng trong hai ngày đầu, trong lòng thầm nhủ, “cố gắng học hết khoá để sau này yếu chạy không nổi còn có cái mà tập”. Có lẽ do đã chạy được 2-3 tháng trước đó nên sức khoẻ tôi tạm ổn để theo kịp mọi người trong 2-3 ngày đầu... Sau các buổi tập, tôi có cảm giác lâng lâng sảng khoái như hồi còn thanh niên, chỉ có điều lạ là tôi ra nhiều mồ hôi quá trong khi cường độ vận động đâu có nhiều như chạy bộ.

Tôi đã chọn "Khí công Himalaya" để sống chung với bệnh tiểu đường tuýp II - Ảnh 6

Bài tiếp theo là bài Trường xuân công, đem tuổi xuân trở lại với cơ thể. Các động tác xoa bóp và vận động khiến cho tôi cảm thấy khoẻ và sảng khoái ngay trong buổi tập. Có điều thú vị là các động tác dần dần tác động đến cột sống từng bước từ trên xuống dưới. Tôi tự nhủ, mình phải cố học để sau này nằm trên giường bệnh có khi vẫn chơi được bài này... Nhưng lúc này những điểm yếu của tôi mới lộ ra. Đã lâu không vận động nên tôi cảm thấy gân cốt yếu mỏi, xương khớp cứng queo, khác hẳn ngày xưa... Tuy nhiên, tôi vẫn hoàn thành tốt bài tập và theo kịp với mọi người trên lớp. Sang đến bài Luân xa 1 thì tôi đuối hẳn so với các chị em trên lớp. Xương khớp và đặc biệt cái lưng thoái hoá của tôi không cho phép tôi làm được hết các động tác. Tôi vẫn tập được theo nhưng cảm giác mình chưa tận dụng được hết công năng của bài này. Tôi nhìn mấy chị em dẻo như kẹo kéo mà thèm và tiếc một thời trẻ lười tập luyện. Tuy nhiên, tôi vẫn cố vì thầy nói rằng mấy bài bộ đứng em vừa học không có tác dụng nhiều bằng bộ nằm đâu... Trong quá trình học, thầy khéo léo lồng vào những bài giảng về nguyên lý tác động và tác dụng của từng bài tập một cách tếu táo và dễ thuyết phục nên không khí lớp học lúc nào cũng vui. Sau một số bài phụ trợ nữa thì 10 buổi học đã trôi qua trong tiếc nuối. Tôi cảm thấy các bài tập này khá phù hợp với thể trạng của tôi hiện nay và sau này. Mặc dù cường độ tập không quá mạnh, nhưng cảm giác tập xong rất “đã đời”. Tôi còn cảm thấy một điều lạ là cứ thỉnh thoảng có một luồng hơi nóng cứ luẩn quẩn quanh người trong một hai giây. Kể từ khi tập KHÍ CÔNG HIMALAYA, tôi ăn ngon miệng, ngủ đều, thể chất cảm thấy tốt hơn. Tôi nghĩ là mình có thể theo học lớp duy trì 3 buổi một tuần vì tính chất công việc bị phụ thuộc và thất thường nên tạm dừng ở đây. Khi đi khám lại, chỉ số đường huyết của tôi giảm xuống còn 6,0 mmol/l, nhưng HbA1C đã giảm xuống còn 6,7. Bác sỹ kết luận hiện trạng của tôi là Tiền Tiểu đường, cho phép tôi thử ngừng dùng thuốc và tiếp tục tập luyện để kiểm tra lại trong vòng 1 tháng.Về nhà, tôi cố gắng luyện lại hai bài Vạn bộ trường sinh và Trường xuân công vào mỗi buổi sáng sau khi chạy khoảng hơn 1 km. Sau khi kiểm tra lại, chỉ số đường huyết của tôi đạt mức tốt là 5,9 mmol/l, HbA1C còn 6,4 (cơ bản như người bình thường không bị bệnh). Các chỉ số mỡ máu của tôi cũng tiến triển rất tốt (triglycerid còn 0,95 – giảm hơn 10 lần, cholesteron còn 5,0). Bác sỹ cho rằng tôi có thể không dùng thuốc nhưng vẫn thuyết phục tôi tiếp tục dùng thuốc với hàm lượng rất nhỏ cho thêm yên tâm. Sau một thời gian sống lành mạnh như trên, tôi cảm thấy khoẻ khoắn hơn nên thử nâng quãng đường chạy lên xem sao... Tôi dễ dàng đạt mốc 6,6 km (3 vòng hồ bảy mẫu). Vì không có thời gian, tôi tạm ngừng tập hai bài trên để thử sức với môn chạy. Sau đó một thời gian ngắn, tôi hoàn toàn có thể chạy được 8,8 km (4 vòng hồ) hoặc hơn một chút mà không gặp vấn đề gì. Tôi không chạy thêm nữa vì khớp gối và gót của tôi có lẽ đã đạt giới hạn chịu đựng rồi, nhưng nhịp tim, nhịp thở và thể trạng cho biết tôi còn có thể chạy thêm. Chứng thoái hoá đốt sống của tôi cũng tiến triển rất tốt. Nhưng vấn đề là vào lúc này, tôi đã có cảm giác yên tâm hơn nên bắt đầu thả lỏng bản thân và hút thuốc trở lại... Sau đó, tôi tiếp tục tham gia các lớp duy trì được gần 3 tháng với những tiến triển rõ rệt từng ngày về sức khoẻ. Câu truyện của tôi đến đây chưa kết thúc, nhưng tôi xin được ngừng lời và gửi lời cảm ơn trân trọng tới thầy Trần Hoài Văn, các bạn đồng môn và người bạn đã đưa tôi đến với môn KHÍ CÔNG HIMALAYA và động viên tôi theo học.
Khí công Himalaya là một bộ môn được phát triển dựa trên nền tảng nhiều bài tập của các vị lạt ma và những thức của các vị Lạt ma Tây Tạng do Khí công sư Trần Hoài Văn trực tiếp hướng dẫn và thị phạm. Bắt đầu từ năm 2013, những lớp khí công do thầy Trần Hoài Văn mở ra đã giúp cho hàng trăm người tập có những cải thiện rõ rệt về tình trạng sức khoẻ,  thu nạp được nhiều kiến thức trong việc xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh, tinh thần tươi trẻ và luôn tràn đầy năng lượng.

Trần Thành Nam