17:34 20/03/2008

Tôi lập nghiệp: “Đập bể” mình để đi tới

Đầu năm 2003, Nhà máy Giấy Sài Gòn nhận danh hiệu “Sao Đỏ” cũng là lúc Vị đối diện với lần “lập nghiệp” khốc liệt khác

Cao Tiến Vị trong xưởng giấy.
Cao Tiến Vị trong xưởng giấy.
Cao Tiến Vị - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn - sinh năm 1965.

>>Xem loạt bài "Tôi lập nghiệp"

Tốt nghiệp lớp 12, đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Tp.HCM nhưng không theo học và trở thành tài xế lái xe lam trên tuyến đường Bảy Hiền - Chợ Lớn.

Tranh thủ vừa chạy xe vừa học thêm ngành kế toán rồi xin vào làm ở Công ty Chất đốt Thành phố. Lúc đầu làm tài xế, sau đó chuyển sang áp tải, rồi làm kho, thu mua... Năm 1992, Vị lấy được văn bằng cử nhân kinh tế, Đại học Mở - Bán công Tp.HCM.

“Cuộc đời tôi có ba lần lập nghiệp. Hai lần đầu việc khởi sự là bình thường. Khi doanh nghiệp lớn rồi phải lập nghiệp thêm lần thứ ba và đó mới là lần “máu lửa” nhất, đau lòng nhất: phải đập bỏ những gì thân yêu nhất của mình để chọn con đường đi xa hơn”, Cao Tiến Vị nói về những lần lập nghiệp trong đời mình.

“Phút 89”

Kết thúc 12 năm đi làm thuê bằng một dự án làm nhà máy giấy. Sắp đến ngày khai trương thì đùng một cái, Vị phát hiện người bạn thân hùn vốn với mình đã “mượn vốn” của rất nhiều người để đầu tư và chủ nợ đang vây bủa. Anh thất thần.

Dự án nhà máy giấy là kế hoạch lớn đầu tiên trong đời, 12 năm tích cóp, bỏ học, lái xe lam, làm công nhân bốc vác rồi chuyên chở củi cho công ty chất đốt, cặm cụi kiếm từng đồng tiền lẻ vậy mà nay tan vào hư không.

Anh nằm liệt giường cả sáu tháng. Sau đó, gượng dậy để bắt đầu làm “tập 2”: bán nhà, lập nhà máy khác. Một chuyện gây sốc.

Nguyễn Văn Vương, quản đốc phân xưởng giấy carton, nhớ lại: “Thời đó, giám đốc Vị có mặt tại công trường 24/24, cùng ăn mặc bụi đời như anh em. Có lần ổng té gãy chân phải bó bột, lấy chiếc ghế đẩu khoét một lỗ, đút cái chân vào, kéo ghế đi tới đâu ngồi tới đó để vừa coi vừa làm”.

Vị chọn hướng sản xuất giấy vệ sinh khi những “đại gia” ngành giấy đã “hoành tráng” trên thị trường. Một năm sau khi đi vào sản xuất, Vị mua lại căn nhà mới!

Công việc yên ổn đến năm 1999, cánh cửa hội nhập mở ra, “đại gia giấy” Toyo (Nhật) đầu tư 30 triệu USD vào thị trường Việt Nam. Vị hăm hở vào xem người Nhật sản xuất giấy thế nào, xem nhà máy xong bủn rủn cả người bởi họ tới 30, mình chưa được 1.

Về nhà nằm vật ra, rã rời. Đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi “cái chết” gần kề trước mắt. Rồi hơn một năm trôi qua, thấy Toyo vẫn chưa “ăn thịt” được mình. Té ra “chàng khổng lồ” vẫn hở gót chân: thị trường hơn 70 triệu dân thời điểm đó chiếm 80% là nông dân, đời sống chưa phát triển, nhu cầu về giấy cao cấp chưa có mấy. Tiếp tục “vượt cạn”!

Đầu năm 2003, Nhà máy Giấy Sài Gòn nhận danh hiệu “Sao Đỏ” cũng là lúc Vị đối diện với lần “lập nghiệp” khốc liệt khác. Ấy là lúc đối diện với những món nợ lớn, nợ nhỏ vay từ ngân hàng hai năm trước. Tiền vay đầu tư chưa phát huy được nhưng đến ngày phải trả vốn. Đầu tư vài trăm tỉ đồng, tới phút căng, chỉ cần 1 tỉ đồng để duy trì nhà máy chạy cũng không biết xoay xở làm sao.

Đó cũng là “phút 89” dễ chết nhất. Giữa lúc căng thẳng thì trên thị trường đây đó xuất hiện tin đồn: công nhân bị tai nạn, rồi ông chủ bị tai nạn...

Khách hàng dao động. Họ kéo đến công ty ngày một nhiều, những câu chuyện dần nặng lời. Vị quyết định gặp trực tiếp khách hàng. Vị nhớ lại: “Đầu tôi lúc đó căng thẳng quá, cứ muốn bỏ tất cả, kiếm một chỗ nào đó bươn chải lại từ đầu. Nhưng nghĩ lại sau lưng tôi là số phận của vài trăm công nhân và gia đình họ. Họ từng sống chết với mình, tôi bỏ đành sao!”.

Nghĩ đến tương lai lớn hơn

Suốt năm, Vị đi tìm các quỹ đầu tư trong tình trạng ngổn ngang: một nhà máy đang hình thành và chuẩn bị sản xuất, quá khứ chưa đạt tầm họ muốn, còn tương lai thì chưa đến.

Ba nhà đầu tư đề nghị mua với điều kiện bất lợi hoàn toàn cho Vị. Rồi đến nhà đầu tư thứ tư. Chờ đợi, nôn nóng, gấp rút nhưng họ cứ chậm rì rì, cứ tiếp cận, phỏng vấn, điều tra và thậm chí là những cuộc đấu trí.

Và cuối cùng, một quỹ đầu tư đồng ý rót tiền vì nhìn thấy định hướng phát triển công ty của Vị. Lần “vượt cạn” thứ hai đã thoát trong gang tấc.

Năm 2004, Giấy Sài Gòn gần như tái cấu trúc toàn bộ hệ thống bán hàng và bộ máy nhân sự, phải “đập bể” mình hoàn toàn để đi con đường lớn. Cũng phải “đập” thôi, không “đập” không được. Vị gần như luôn trong tình trạng đau đầu: 50% thời gian được dùng cho giải quyết nhân sự. Môi trường làm việc bị “sốc”: nhân sự công ty trong nước trộn với người từ công ty nước ngoài về, cách thức điều hành, quan hệ xã hội... khó dung hòa. Nhiều thông tin, nhiều mâu thuẫn, những áp lực vô hình...

Cuối cùng, Vị chọn giải pháp nói hết bằng sự chân thành, bằng tình thương và trách nhiệm, chỉ ra cho mọi người một tương lai lớn hơn của Nhà máy Giấy Sài Gòn - hoặc tồn tại để đi lên hoặc giữ nguyên và sẽ lụi tàn.

Cao Tiến Vị tâm tình: “Một doanh nghiệp thì không được dừng bước trên con đường phát triển. Dù bản thân tôi có tồn tại hay không thì doanh nghiệp vẫn phải tồn tại và phát triển. Quan điểm riêng của tôi: mỗi người có một khả năng, người quản lý giỏi chưa hẳn là ông chủ giỏi và ngược lại.

Tôi bắt đầu thèm khát những nhà quản lý đang làm việc trong các tập đoàn nước ngoài. Tôi khao khát, họ có thể mang những kinh nghiệm đó về cho Nhà máy Giấy Sài Gòn nhưng đâu phải lúc nào muốn là có. Tôi dự định từ những năm 2002, rồi mãi tới 2004 bắt đầu có một vài vị trí, đến 2007 tôi mới có tổng giám đốc là người đã từng làm cho nhiều tập đoàn nước ngoài. Và tôi đang nghĩ đến khái niệm tập đoàn ở chính nơi này”.

* Cao Tiến Vị:

“Tôi luôn nghĩ nhà máy là một doanh nghiệp của xã hội chứ không phải của tôi hay của gia đình. Nếu xem nó như một thứ riêng tư thì nó sẽ kết thúc sự nghiệp trước những tập đoàn quốc tế trong cái biển WTO này.

Tôi đi Nhật thấy con đường phát triển của một doanh nghiệp là hàng trăm năm. Nhiều doanh nghiệp tồn tại 20-30 năm vẫn có thể phá sản như chơi. Doanh nhân người Nhật bảo cơ hội còn nhiều, tôi đừng lo. Áp lực lớn nhất với tôi bây giờ không phải là sự thất bại mà là đem lợi nhuận hiệu quả nhất cho cán bộ công nhân viên, những người đã đồng hành với mình.

Tôi nghĩ trong bất cứ môi trường nào, nếu thấy đúng cứ làm, sẽ thành công! Quan trọng nhất là bạn không được chao đảo khi đứng mũi chịu sào một con thuyền có ảnh hưởng đến đời sống của một hai ngàn gia đình.”