"Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là hợp ý Đảng lòng dân"
Đây là tập quán chính trị và thông lệ quốc tế được nhiều nước đang áp dụng, theo Phó chánh Văn phòng Trung ương Lê Quang Vĩnh
Cả 175 uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng dự hội nghị thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Đó là thông tin được ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương nêu khi chủ trì họp báo thông tin về kết quả Hội nghị Trung ương 8, chiều 6/10.
Tại cuộc họp báo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho biết, kết thúc hội nghị, Trung ương đã thông qua các nghị quyết quan trọng như nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, nghị quyết về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Hội nghị cũng thống nhất thành lập 5 tiểu ban để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Gồm, tiểu ban văn kiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban, Tiểu ban nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban, Tiểu ban Phục vụ đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng tiểu ban.
Trung ương cũng thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào kỳ họp Quốc hội thứ 6 tới.
Hồi âm những câu hỏi xung quanh việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu chức vụ Chủ tịch nước, ông Lê Quang Vĩnh cho biết, việc biểu quyết trong Ban chấp hành Trung ương về nội dung này chỉ thực hiện với các Uỷ viên chính thức, các Uỷ viên dự khuyết không có quyền tham gia. Kết quả, 100% các uỷ viên Trung ương tham dự hội nghị, tức 175/175 Uỷ viên chính thức đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu đồng thời làm Chủ tịch nước.
Ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị là Uỷ viên Trung ương Đảng duy nhất vắng mặt tại hội nghị lần thứ 8 này do đang phải điều trị bệnh, ông Vĩnh cho biết thêm.
Về công tác chuẩn bị để tới đây, hoạt động của Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, nếu được Quốc hội bầu, đạt hiệu quả cao, theo ông Lê Quang Vĩnh, việc tổ chức bộ máy giúp việc phải đảm bảo phù hợp với việc vận hành bộ máy của cả Đảng và cơ quan Chủ tịch nước.
"Việc này đã có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam, thực hiện qua hàng chục năm Bác Hồ là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Vậy nên việc phối hợp công tác giữa Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước sẽ không có gì đáng ngại", Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nói.
Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh, Trung ương không đặt vấn đề nhập 2 văn phòng vì thời Bác Hồ làm việc vẫn có 2 cơ quan giúp việc tồn tại riêng biệt trong hàng chục năm. Việc sát nhập Văn phòng Trung ương Đảng với Văn phòng Chủ tịch nước là không nên đặt ra.
Phó chánh văn phòng Trung ương Lê Quang Vĩnh cũng nêu một số nội dung khi trả lời câu hỏi, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước có được tiếp tục duy trì trong các nhiệm kỳ tới hay chỉ áp dụng cho nhiệm kỳ này, trong bối cảnh Chủ tịch nước đương nhiệm qua đời.
Theo ông Lê Quang Vĩnh, việc người đứng đầu Đảng cầm quyền thường đồng thời là nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ hoặc cả 2 không lạ. Đây là tập quán chính trị và thông lệ quốc tế được nhiều nước đang áp dụng chứ không chỉ Việt Nam. Vậy nên việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng lòng dân.
"Thực tế ở Việt Nam, thời Bác Hồ mấy chục năm cũng đã áp dụng thông lệ này, Bác là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Khi Bác Hồ "ra đi", do điều kiện chính trị, lịch sử cụ thể chưa cho phép việc này tiêp tục, ông Vĩnh giải thích.
Còn các nhiệm kỳ tới có tiếp tục việc này không thì phụ thuộc vào Ban chấp hành Trung ương và Quốc hội, hiện tại chưa được bàn tới, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng cho biết.