Tổng giám đốc IMF: Chống rủi ro tiền ảo, nhưng đừng bóp nghẹt sáng tạo
Bà Lagarde cho rằng cần “phân biệt rõ giữa những nguy cơ thực sự và những mối lo ngại không cần thiết” về tiền ảo
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang tìm kiếm một vai trò đi đầu nhằm tập hợp, dẫn dắt các ngân hàng trung ương trên thế giới tiến trước một bước trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. IMF mong muốn cơ quan chức năng các nước "phân biệt rõ giữa những nguy cơ thực sự và những mối lo ngại không cần thiết" về tiền ảo.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), khuyến nghị trên vừa được Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde đưa ra trong một bài viết trên blog cá nhân.
"Các nhà hoạch định chính sách cần giữ một tư duy mở và hành động theo hướng cân bằng trong quản lý tiền ảo, sao cho vừa giảm thiểu rủi ro, vừa cho phép sự sáng tạo đơm hoa kết trái", bà Lagarde viết.
Khuyến nghị này được bà Lagard đưa ra trước thềm cuộc họp mùa xuân thường niên của IMF vào tuần này tại Washington, trong bối cảnh cơ quan chức năng nhiều quốc gia chưa biết làm thế nào để quản lý tốt nhất tiền ảo - loại tài sản được thiết kế để giao dịch mà không cần đến sự giám sát của bất kỳ một ngân hàng trung ương nào.
Trên thế giới hiện có khoảng 1.500 đồng tiền kỹ thuật số, với tổng giá trị vốn hóa thị trường ước tính khoảng 300 tỷ USD. Giá trị này tương đương khoảng 4,5% dự trữ ngoại hối toàn cầu và lớn hơn dự trữ của Singapore - kho dự trữ ngoại hối lớn thứ 12 thế giới, đạt khoảng 282 tỷ USD.
Ra mắt vào năm 2009, Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số lâu năm nhất và có giá trị vốn hóa lớn nhất. Tuy nhiên, mỗi tuần hiện nay, thế giới lại có thêm hàng chục đồng tiền ảo mới được tạo ra.
Một số quốc gia đang nỗ lực để đi đầu về tiền ảo. Chẳng hạn, Nhật Bản là nước "thân thiện" với tiền ảo nhất thế giới hiện nay, có nhiều sàn giao dịch tiền ảo lớn và cho phép Bitcoin được sử dụng trong thanh toán. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) được cho là đã thành lập viện nghiên cứu tiền ảo đầu tiên trên thế giới.
"Chúng ta đang xem xét một thứ phát triển nhanh chóng, đồng thời có mức độ biến động cao, với những lợi ích và mặt hạn chế", bà Lagarde nói hôm 11/4 khi trả lời phỏng vấn SCMP.
"Trước hết, việc sử dụng bất hợp pháp tiền ảo và lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng phải được ngăn chặn. Thứ hai, những sáng tạo về sử dụng các cơ chế tiền ảo cần phải được xem xét và khuyến khích. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này sẽ tạo hành một bộ khung vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa không bóp nghẹt sáng tạo, có thể dẫn tới hiệu quả về chi phí", bà Lagarde phát biểu.
Theo một đánh giá của IMF, các tài sản ràng buộc với tiền ảo không đặt ra rủi ro tức thời cho hệ thống tài chính toàn cầu, bởi quy mô còn khá nhỏ, và chúng mới chỉ có sự ràng buộc hạn chế với phần còn lại của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các tài sản này có khả năng khuếch đại rủi ro và gia tăng sự truyền dẫn những cú sốc kinh tế.
Nhưng bên cạnh đó, theo IMF, tiền ảo có thể "cho phép thực hiện các giao dịch tài chính một cách nhanh chóng và ít tốn kém", và công nghệ sổ cái số (DLT) của tiền ảo có thể cải thiện hiệu quả của thị trường tài chính và duy trì việc lưu giữ an toàn những hồ sơ quan trọng.
"Chúng ta cần giữ nguyên sự cảnh giác", bà Lagarde nói. "Chúng ta cần hành động nhanh để thu hẹp khoảng cách hiểu biết - vốn là nhân tố cản trở việc giám sát hiệu quả các tài sản tiền ảo. Cần phải đánh giá rủi ro hệ thống và có phản ứng chính sách kịp thời, cũng như các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư, và sự toàn vẹn của thị trường".
Bà Lagarde khẳng định IMF, tổ chức gồm 189 nền kinh tế thành viên, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tư vấn và tạo diễn đàn thảo luận, hợp tác nhằm phát triển một hướng đi nhất quán trong quản lý tiền ảo.
IMF Innovation Lab, một nhánh của IMF, sẽ tổ chức các phiên họp trong tuần này, với những chủ đề về tiền ảo, công nghệ sổ cái số, ứng dụng thành công của công nghệ chuỗi khối (blockchain), và những rủi ro-cơ hội mà tiền ảo mang lại.