Tổng kết 2024: Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng gấp 4-5 lần VN-Index, có mã gấp gần 10 lần
Tính từ đầu năm, nhiều cổ phiếu tăng trưởng ngoạn mục như LPB tăng 113%; TCB 55,64%; HDB tăng 44%; CTG tăng 33,58% MBB tăng 30%; VAB tăng 29%; STB tăng 24%...
Với mức tăng trưởng chung 25,20%, ngân hàng trở thành trụ dẫn dắt thị trường đi lên trong năm 2024 bất chấp những khó khăn thách thức từ bên ngoài như tỷ giá, hay khối ngoại bán ròng kỷ lục. Tính từ đầu năm, nhiều cổ phiếu tăng trưởng ngoạn mục như LPB tăng 113%; TCB 55,64%; HDB tăng 44%; CTG tăng 33,58% MBB tăng 30%; VAB tăng 29%; STB tăng 24%...bỏ xa mức tăng của chỉ số Vn-Index hơn 12%.
Nhận định về triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2025, Chứng khoán MBS kỳ vọng nhóm này tiếp tục tích cực nhờ lợi nhuận ròng của các ngân hàng tăng 20,2% so với cùng kỳ trong 2025 nhờ sự phục hồi của thu nhập ngoài lãi và duy trì mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần.
Tính đến 19/12, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 13,1% so với đầu năm, nhanh hơn so với năm ngoái và tiến gần mục tiêu 14-15% của Ngân hàng Nhà nước cho cả năm. MBS tin rằng mức tăng trưởng 14%-15% là có thể đạt được sau tốc độ giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và nhu cầu tín dụng cao hơn của quý 4.
MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15 – 16% trong 2025 từ mức 15% trong 2024. Hoạt động tín dụng có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố sau: Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025. Sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao: Tiếp tục giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 dự kiến sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng lượng tiền gửi tính đến 7/12 đạt khoảng 14.800 nghìn tỷ đồng, (+7,36% so với đầu năm), chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng là 13,1%. MBS kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 20 điểm cơ bản vào cuối năm, dao động trong khoảng 5,1%-5,2%.
Tính đến ngày 23 tháng 12, lãi suất cho vay trung bình của 10 ngân hàng lớn nhất đã giảm 79 dcb so với T3/2024. Trong đó, các ngân hàng đi đầu trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng (VCB: -90 điểm cơ bản, BID: -82 điểm cơ bản Agribank - 69 điểm cơ bản). Kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức trong nửa đầu năm 2025 và cải thiện dần trong nửa cuối năm 2025 khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng và bất động sản cải thiện .
MBS dự báo một số ngân hàng có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong 6-9 tháng tới để hỗ trợ khách hàng vì nhu cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Việc phục hồi chậm của các khoản thế chấp, do nguồn cung bất động sản bị hạn chế, chủ yếu đã làm chậm lại hoạt động vay bán lẻ vào năm 2024 và xu hướng này có thể kéo dài trong sáu tháng tới, làm giảm thêm lợi suất tài sản của các ngân hàng vào năm 2025.
Trong năm 2025, MBS lo ngại rằng tăng trưởng tín dụng sẽ chủ yếu đến từ mảng bán lẻ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu (NPL) cao hơn so với tín dụng doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng có xu hướng tăng cường trích lập dự phòng nhiều hơn so với năm trước nhằm giữ tỷ lệ nợ xấu thấp hơn năm 2024.
Đồng thời, dự phóng tăng trưởng lợi nhuận ròng của các ngân hàng theo dõi sẽ đạt khoảng 15% vào năm 2024 và tăng lên 20% vào năm 2025.
Chứng khoán BSC cũng vừa đưa ra khả quan với triển vọng ngân hàng trong năm 2025 khi kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng 20%. Lợi nhuận tăng trưởng cao được thúc đẩy bởi sự cải thiện nhẹ của NIM, chất lượng tài sản nằm trong tầm kiểm soát với sự hỗ trợ từ các quy định tái cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn và tăng trưởng tín dụng tiếp tục được thúc đẩy, với sự gia tăng ảnh hưởng của tín dụng bán lẻ trên đà phục hồi của thị trường Bất động sản
BSC đưa ra các chủ đề đầu tư ngành ngân hàng cho năm sau bao gồm: thúc đẩy giải ngân công qua các dự án hạ tầng quốc gia sẽ giúp các ngân hàng quốc doanh hưởng lợi trực tiếp về tăng trưởng tín dụng; bước vào chu kì cắt giảm chi phí tín dụng từ đó tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận.
Các cổ phiếu hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản với nhiều tỷ trọng tín dụng phân bổ cho chủ đầu tư và người mua nhà như TCB, VIB, VPB hay đầu tư theo sự kiện như kế hoạch phát hành riêng lẻ của BID (8% vốn điều lệ) và VCB (6,5% vốn điều lệ); HDB (đang chuẩn bị cho kế hoạch bán vốn) và STB (kết thúc quá trình tái cơ cấu, bán 32,5% cổ phần quản lý bởi VAMC).
Trong khi đó, chứng khoán BVSC cho rằng cổ phiếu ngân hàng đang ở mức định giá rẻ để đầu tư. "Môi trường lãi suất ổn định là yếu tố giúp nợ xấu không gia tăng, bức tranh kinh tế chung khả quan là điểm tựa cho nợ xấu ngân hàng cải thiện, cùng với đó là định giá ngành ngân hàng ở mức rẻ", BVCS nhấn mạnh.