Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đề xuất tiếp tục hỗ trợ tiền mặt cho lao động mất việc, giảm giờ làm
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình lao động mất việc, giảm giờ làm vẫn diễn ra, vì thế tổ chức công đoàn đang nghiên cứu để tiếp tục hỗ trợ tiền mặt cho lao động nhóm này…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang lập tờ trình đề xuất tiếp tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình họ.
Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm việc làm khiến cho số lao động bị mất việc làm, giãn việc tăng nhẹ, quý 1/2023 là 443 nghìn lao động, quý 2 là 459,3 nghìn lao động.
Trong đó, số lao động bị mất việc làm quý 1/2023 là 149 nghìn người (tăng 31 nghìn người so với quý trước), con số này ở quý 2 là 217,8 nghìn người (tăng 68,8 nghìn người so với quý trước).
Việc cắt, giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay mang tính chất cục bộ, không phải trên diện rộng mà chỉ tập trung ở một số ít ngành và tại những địa phương tập trung nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội...
Hầu hết số lao động bị cắt, giảm việc làm đều đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, khi mất việc làm thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Riêng tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, theo báo cáo của các địa phương, đơn vị đã có khoảng 192.000 người lao động bị giảm, mất việc.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo thị trường lao động 6 tháng cuối năm tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng.
Sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga-Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Dự báo tình hình khó khăn còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.
Trước thực tế trên, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Thời gian thực hiện hỗ trợ dự kiến từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023, tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 31/3/2024.
Các quy định về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ và các quy định khác… vẫn sẽ được giữ nguyên, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là khoảng 145 tỷ đồng.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết 06, đến nay tổng số hồ sơ được tiếp nhận là hơn 86.500 người; số trường hợp đã thẩm định đủ điều kiện, duyệt và hoàn thành chi hỗ trợ chiếm 94% tổng số trường hợp đã tiếp nhận. Tổng số đoàn viên được hỗ trợ hơn 80.000 người với tổng kinh phí hơn 114,5 tỷ đồng.
Nghị quyết 06 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành hồi tháng 1 năm nay, nhằm dành nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ một lần bằng tiền mặt cho đoàn viên và người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã (doanh nghiệp) có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022 bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023.
Mức hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn.