10:49 15/06/2023

Nửa cuối năm 2023: Thị trường lao động vẫn chưa hết khó khăn

Nhật Dương

Trong thời gian tới, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó, đặc biệt với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động. Điều này sẽ dẫn đến đời sống người lao động càng khó khăn hơn, tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể gia tăng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số liệu việc làm, thị trường lao động từ các cơ quan quản lý nhà nước đều cho thấy thị trường lao động những tháng đầu năm 2023 có sự phục hồi nhất định, song các dự báo về triển vọng nửa cuối năm không mấy lạc quan, người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.

NHU CẦU SỬ DỤNG LAO ĐỘNG SẼ CÓ MỨC TĂNG TRƯỞNG CHẬM LẠI SO VỚI GIAI ĐOẠN TRƯỚC 

Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nói, để dự báo thị trường lao động trong nửa cuối năm 2023 còn phụ thuộc vào việc cập nhật kịch bản tình hình kinh tế - xã hội, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức đều cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn sẽ còn chịu tác tộng của địa chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả tăng cao…

Mặc dù vậy, vẫn có những điểm sáng cho khu vực dịch vụ khi Trung Quốc mở cửa trở lại cho phép chúng ta có đà tăng trưởng trong lĩnh này, từ đó sẽ có những tác động nhất định đến thị trường lao động.

“Khu vực dịch vụ và xây dựng sẽ có những triển vọng tốt về thị trường lao động khi Chính phủ triển khai hiệu quả các gói đầu tư công, nhưng cũng có những tiêu cực là nhu cầu sản xuất hàng hóa của Việt Nam đi các nước bị hạn chế sẽ có những ảnh hưởng đến thị trường lao động. Theo kết quả dự báo của chúng tôi, một số ngành, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường dẫn đến giảm lao động như liên quan đến may trang phục, đồ gỗ, những ngành có giá trị xuất khẩu lớn…”, ông Toàn nhận định.

Từ thực tế tại địa phương, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thành phố đã ghi nhận tình trạng có doanh nghiệp giảm đơn hàng phải cho lao động nghỉ việc, song nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá tốt.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, đơn vị này đã tổ chức được gần 100 phiên giao dịch việc làm với hơn 2.800 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh 49.523 người. Qua đó, đã có hơn 20.000 người lao động được phỏng vấn và hơn 6.800 người được tuyển dụng tại các phiên này.

Theo quan sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đánh giá chung thì xu hướng ở thị trường Hà Nội vẫn tích cực, song đơn vị này cũng dự báo, trong các tháng tiếp theo, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Triển vọng phục hồi và phát triển thị trường lao động Hà Nội sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Nhu cầu sử dụng lao động sẽ có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất kinh doanh tùy theo diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế. Nhu cầu sử dụng lao động sẽ có mức tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước. 

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu là nhu cầu tuyển dụng nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may, nhân viên dịch vụ nhà hàng khách sạn, nhân viên du lịch lữ hành…Dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Dịch vụ du lịch và lữ hành; Bán buôn và bán lẻ; Vận tải, kho bãi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ có một số nhóm ngành được dự báo là sẽ xuất hiện tình trạng giảm việc làm do thiếu hụt đơn hàng như: Kinh doanh xuất nhập khẩu; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Chế biến gỗ…

QUAN TÂM ĐẾN ỔN ĐỊNH VIỆC LÀM, ĐỜI SỐNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Thị trường lao động sẽ còn tiếp tục khó khăn cũng là nhận định của Navigos Group – đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự trong một báo cáo phân tích về tình hình tuyển dụng tại Việt Nam công bối hồi cuối tháng 5.

Theo Navigos Group, những tháng đầu năm 2023, chưa có tín hiệu tích cực nào về tình hình kinh tế thị trường quốc tế và trong nước được ghi nhận. Năm tài chính mới đã bắt đầu nhưng các doanh nghiệp vẫn “án binh bất động” trong trạng thái chờ và nghe ngóng thị trường khi lo ngại về kinh tế thế giới kém khả quan trong năm nay.

Đơn vị này dự báo cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự, hoặc có thể thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn.

Người lao động tham gia tìm việc tại một phiên giao dịch việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động tham gia tìm việc tại một phiên giao dịch việc làm. Ảnh - N.Dương.

Cũng theo Báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Trả lời đại biểu Quốc hội về dự báo tình hình lao động và việc làm của nước ta trong thời gian tới tại phiên chất vấn tuần trước, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, việc dự báo thị trường lao động trong thời gian tới phải dựa vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thời gian tới có thể tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ có khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động nhiều, nhất là những ngành như giày da, dệt may, túi xách xuất khẩu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Trên cơ sở đó, đời sống, lao động, việc làm sẽ tiếp tục khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể gia tăng. Điều đáng lo ngại hơn là sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã làm bào mòn phần tích lũy của người lao động, do đó họ sẽ càng ngày càng chật vật hơn, đây là vấn đề cần phải quan tâm.

“Chúng ta có quy mô 51,2 triệu lao động ở thời điểm này nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000 người, giãn việc, mất việc là trên 506.000 người. Nếu so như vậy thì tỷ lệ này vẫn ở trong khoảng chúng ta kiểm soát được”, Bộ trưởng nói.

Theo ông, năm 2021 khi thời điểm dịch bùng phát mạnh, dòng người đổ dồn về quê, và đã có những lo ngại về việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, song nhờ các giải pháp kiểm soát tốt, điều đó đã không xảy ra. Vì vậy, ở thời điểm này chúng ta không cho phép chủ quan nhưng cũng không bi quan trước tình hình.

“Chúng ta sẽ làm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, ổn định đời sống, đặc biệt không chủ quan nhưng cũng không bi quan”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.