09:35 12/02/2009

Tổng thanh tra Chính phủ: “Sai thì không thể giấu được!”

Từ Nguyên

Tổng thanh tra Chính phủ nói về sai phạm của một số đơn vị mà báo chí đã đưa tin trong thời gian qua

"Họ có quyền bình luận nhưng kết quả thanh tra thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Thủ tướng" - Ảnh: Từ Nguyên.
"Họ có quyền bình luận nhưng kết quả thanh tra thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Thủ tướng" - Ảnh: Từ Nguyên.
Sai phạm của một số đơn vị, doanh nghiệp là có thật nên không thể che giấu hay nói khác được.

Đó là khẳng định của Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước những thông tin phản hồi của một số tổ chức, doanh nghiệp về kết quả thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ báo cáo lên Thủ tướng.

Ông Truyền nói:

- Công tác thanh tra tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) và 3 đơn vị của ngành thuế là: Tổng cục Thuế, Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục thuế Tp.HCM đã được thanh tra Chính phủ triển khai và kết quả bước đầu là hoàn toàn chính xác.

Đối với những thông tin liên quan đến công tác thanh tra tại Vinaconex mà báo chí nêu trong thời gian qua là có thật nhưng chưa đúng, chưa đầy đủ. Quan điểm của Thanh tra Chính phủ là doanh nghiệp này đã vi phạm pháp luật nên đã có kiến nghị lên Thủ tướng một số vấn đề.

Còn đối với 3 đơn vị của ngành thuế thì hiện nay chúng tôi cũng đã có những kết quả cơ bản về lĩnh vực, nghiệp vụ, bộ phận sai phạm…với tổng số tiền sai phạm lên tới 11.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1.120 tỷ đồng, đề nghị xem xét xử lý hơn 7 nghìn tỷ đồng.

Nhưng Vinaconex và một số tổ chức khác đã có phản hồi về kết quả thanh tra và cho rằng là không hợp lý và thiếu cơ sở, thưa ông?

Tôi xin khẳng định lại, những thông tin và con số về sai phạm của Công ty Vinaconex là có thật, thậm chí là còn thiếu. Riêng đối với số tiền 1.400 tỷ đồng mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng thu hồi là chưa đủ. Công tác thanh tra tại doanh nghiệp này sẽ được tiếp tục và sẽ có kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý, những sai phạm liên quan đến 1.400 tỷ đồng của Vinaconex còn phải chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng nên chúng ta cũng không nên vội vàng kết luận là có tiêu cực hay tham nhũng, trốn thuế…của đơn vị này hay không.

Còn việc Vinaconex và một số tổ chức khác phản hồi về kết luận thanh tra thì đó là quyền của họ. Họ có quyền bình luận nhưng kết quả thanh tra thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Thủ tướng.

Sai phạm của ngành thuế còn lớn hơn nhiều

Nhưng ngay cả ngành thuế cũng cho rằng, kết luận của Thanh tra Chính phủ là không chính xác, làm ảnh hưởng đến ngành thuế, thưa ông?

Trước hết tôi xin khẳng định, đây chỉ là kết quả thanh tra tại 3 đơn vị chứ không phải toàn ngành thuế như một số dư luận hiểu nhầm.

Còn theo tôi, nếu thanh tra toàn bộ ngành thuế thì chắc chắn số tiền sai phạm sẽ còn lớn hơn nhiều.

Còn số tiền 11.000 tỷ đồng sai phạm mà chúng tôi đã phát hiện trong quá trình thanh tra là hoàn toàn có thật nên cũng không thể che giấu hay nói khác được. Chúng tôi không nói sai, không làm sai nên ảnh hưởng hay không là trách nhiệm của ngành thuế. Công việc của chúng tôi xét cho cùng cũng là để giúp ngành thuế hoàn thiện hơn, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ tốt hơn với nhà nước, với nhân dân.

Thanh tra Chính phủ khẳng định sai phạm của 3 đơn vị thuế lên tới 11.000 tỷ đồng. Vậy, tại sao chỉ kiến nghị thu hồi có hơn 1.100 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/10 số sai phạm, thưa ông?

Đúng là về lý thuyết thì những số tiền sai phạm là có thể thu hồi ngay. Tuy nhiên, trong tổng số 11.000 tỷ đồng mà chúng tôi kết luận là có sai phạm tại 3 đơn vị thuế trên thì lại có nhiều dạng sai phạm khác nhau, trong đó có loại thu hồi, có loại không thể thu hồi, có loại là trốn thuế, có loại là thiếu thuế…

Chẳng hạn, sai phạm thuế liên quan tới những doanh nghiệp từ trước nhưng hiện nay doanh nghiệp đó đã xóa sổ, phá sản thì không thể thu hồi được.

Đó là lý do khiến chúng tôi không thể kiến nghị thu hồi toàn bộ 11.000 tỷ đồng mà chỉ kiến nghị thu hồi những khoản đã rõ ràng. Số còn lại chúng tôi sẽ ghi nhận và yêu cầu Bộ Tài chính khắc phục.

Sẽ thanh tra cổ phần hóa 5 doanh nghiệp lớn

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một trong hai khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam. Vậy, tại sao Thanh tra Chính phủ lại đang lên kế hoạch thanh tra khu đô thị này, thậm chí còn xếp vào một trong những địa chỉ “nóng”cần được thanh tra, thưa ông?

Thanh tra khu đô thị Phú Mỹ Hưng là nằm trong kế hoạch thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các địa phương của Thanh tra Chính phủ trong năm 2009.

Các đơn vị sẽ thanh tra về việc thực hiện cổ phần hóa là: Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy; Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam và Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiến hành thanh tra tại 5 bộ ngành Trung ương và UBND 9 tỉnh, thành phố trong quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý dự án đầu tư xây dựng, và trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng...

Đối với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, mặc dù, hiện nay dự luận vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về khu đô thị này, nhưng không phải vì “có vấn đề” thì chúng tôi mới tiến hành thanh tra. Đây chỉ là hoạt động bình thường theo yêu cầu nhiệm vụ của quản lý nhà nước mà Thanh tra Chính phủ phải làm.