Tổng thống Bolivia bất ngờ từ chức sau 14 năm cầm quyền
Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales, ngày 10/11 tuyên bố từ chức sau khi quân đội nước này kêu gọi ông từ bỏ quyền lực
Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales, ngày 10/11 bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức sau khi quân đội nước này kêu gọi ông từ bỏ quyền lực. Ngoài ra, nhiều đồng minh chính trị của ông Morales cũng quay lưng lại với ông sau một đợt biểu tình kéo dài nhiều tuần xung quanh kết quả gây tranh cãi của cuộc bầu cử mới đây ở quốc gia Nam Mỹ này.
Theo tin từ Reuters, ông Morales, người đã cầm quyền gần 14 năm, phát biểu trên truyền hình rằng ông sẽ nộp đơn xin từ chức để giúp lập lại trật tự. Tuy nhiên, ông gọi những gì đang xảy ra trên chính trường Bolivia là một cuộc "đảo chính dân sự".
"Tôi sẽ từ chức, tôi sẽ gửi đơn xin từ chức lên Quốc hội", ông Morales tuyên bố, và nói thêm rằng nghĩa vụ của ông - "với tư cách một vị Tổng thống là người bản địa và Tổng thống của toàn thể người dân Bolivia" - là tìm kiếm hòa bình.
Vụ từ chức của ông Morales - một biểu tượng của cánh tả và nhà lãnh đạo cuối cùng còn lại của làn sóng cánh tả ở khu vực Mỹ Latin cách đây 2 thập kỷ - có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến chính trường khu vực, nơi các nhà lãnh đạo cánh tả đã trở lại nắm quyền ở Mexico và Argentina.
Sức ép đã gia tăng đối với ông Morales kể từ khi ông tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 20/10. Ngày 10/11, người đứng đầu lực lượng vũ trang Bolivia tuyên bố quân đội đã yêu cầu ông Morales từ chức để ổn định trật tự sau nhiều tuần biểu tình liên miên phản đối kết quả bầu cử.
"Chúng tôi đề nghị Tổng thống từ chức, để lập lại hòa bình và ổn định, vì lợi ích của Bolivia", tướng Williams Kaliman nói trong một tuyên bố trước khi ông Morales tuyên bố từ chức.
Trước đó cùng ngày, ông Morales đã nhất trí tổ chức một cuộc bầu cử mới sau khi Tổ chức Các nhà nước châu Mỹ (OAS) - tổ chức tiến hành thanh tra của bầu cử ngày 20/10 của Bolivia - công bố báo cáo cho thấy nhưng sai phạm nghiêm trọng trong cuộc bầu cử này. OAS nói rằng kết quả cuộc bầu cử tháng 10 nên bị vô hiệu hóa vì có dấu hiệu rõ ràng của sự thao túng hệ thống bầu cử, đặt ra nghi vấn về chiến thắng của ông Morales trước đối thủ Carlos Mesa.
Cùng với ông Morales, Phó tổng thống Álvaro García Linera cũng tuyên bố từ chức. Hiện chưa rõ ai sẽ là người đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Bolivia cho tới khi có kết quả của cuộc bầu cử tiếp theo. Theo luật của Bolivia, khi ghế Tổng thống và Phó tổng thống cùng trống, Chủ tịch Quốc hội sẽ là người nắm quyền tạm thời.
Ông Morales là Tổng thống người bản địa đầu tiên của Bolivia, lên cầm quyền từ năm 2006. Theo Reuters, việc ông từ chức có thể gây chia rẽ lớn ở khu vực Mỹ Latin.
Các chính phủ cánh hữu trong khu vực, như Colombia và Peru, kêu gọi Bolivia đảm bảo đúng các quy định pháp luật trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, Brazil - quốc gia hiện được lãnh đạo bởi Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro - thậm chí còn hoan nghênh việc ông Morales từ chức.
Trái lại, các chính phủ cánh tả như Mexico, Argentina và Venezuela đứng về phía ông Morales. Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela kêu gọi đồng minh vận động ủng hộ ông Morales. "Chúng ta phải quan tâm đến người anh em Evo Morales", ông Maduro phát biểu trên truyền hình. "Chúng ta cần đoàn kết lại để bảo vệ ông ấy".