10:41 22/08/2016

Tổng thống Philippines dọa rút khỏi Liên hiệp quốc

Bình Minh

“Nếu các ông đã thô lỗ đến vậy, thì chúng tôi sẽ rời bỏ các ông”, ông Duterte nói

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: AP/Bloomberg.<br>
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: AP/Bloomberg.<br>
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người nổi tiếng có nhiều phát ngôn cứng rắn, ngày 21/8 tuyên bố sẽ rút nước này khỏi Liên hiệp quốc và chỉ trích việc cảnh sát Mỹ giết người da màu.

Theo hãng tin AP, đây được xem là động thái “phản pháo” mới nhất của ông Duterte đối với những lời phê bình nhằm vào chiến dịch chống ma túy do ông khởi xướng - chiến dịch đã khiến hàng trăm nghi phạm thiệt mạng.

“Vô ích” và “ngớ ngẩn”

Phát biểu trước báo giới, ông Duterte đã nhắc đến hình ảnh gây ám ảnh cộng đồng quốc tế trong những ngày qua về một cậu bé người Syria phủ đầy máu được đưa ra từ đống đổ nát của một tòa nhà bị trúng tên lửa ở thành phố Aleppo. Ông Duterte nói rằng hình ảnh này cho thấy sự bất lực của Mỹ và Liên hiệp quốc trong việc chấm dứt những cuộc xung đột đẫm máu, trong khi bản thân ông lại chịu sự chỉ trích vì đã tiêu diệt những kẻ phạm tội.

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao Mỹ và hai chuyên gia nhân quyền của Liên hiệp quốc đã hối thúc ông Duterte và các cơ quan chức năng của Philippines dừng việc tiêu diệt nghi phạm mà không thông qua xét xử trong cuộc chiến chống lại hoạt động buôn bán và sử dụng ma túy bất hợp pháp. Các cơ quan này cũng đề nghị Philippines đảm bảo việc thực thi pháp luật phù hợp các quy định quốc tế về nhân quyền.

Cảnh sát Philippines cho biết hơn 500 nghi phạm ma túy đã bị tiêu diệt trong các cuộc đấu súng với cảnh sát kể từ khi ông Duterte tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines cách đây 8 tuần.

Ông Agnes Callamard, một chuyên gia nhân quyền của Liên hiệp quốc, cho rằng các quan chức của Philippines có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vụ giết nghi phạm ma túy như vậy. Trong một tuyên bố mới đây, ông Callamard nói “những tuyên bố về chống ma túy không miễn Chính phủ Philippines khỏi các nghĩa vụ pháp lý quốc tế và không ngăn các quan chức nhà nước và những người khác khỏi trách nhiệm về giết chóc phi pháp”.

Theo quan điểm của ông Duterte, ma túy đã trở thành một thứ “bệnh dịch cần tiêt diệt”. Đứng trước những lời chỉ trích nhằm vào chiến dịch chống ma túy của ông, Duterte đã tỏ rõ thái độ giận dữ. Nửa đêm ngày thứ Bảy, ông tổ chức một cuộc họp báo kéo dài hai giờ đồng hồ.

“Có thể chúng tôi sẽ phải quyết định rút khỏi Liên hiệp quốc. Nếu các ông đã thô lỗ đến vậy, thì chúng tôi sẽ rời bỏ các ông”, ông Duterte phát biểu trước các nhà báo tại Davao - thành phố nơi ông từng có nhiều năm làm thị trưởng và nổi danh với hoạt động chống phá các tổ chức tội phạm.

Ông Duterte cũng tỏ ý xem nhẹ các công việc của Liên hiệp quốc ở Philippines, nhưng không đưa ra các bằng chứng cụ thể. Ông đặt câu hỏi về vai trò của Liên hiệp quốc trong việc xóa đói giảm nghèo.

Ông Duterte gọi Liên hiệp quốc là một tổ chức “vô ích” và “ngớ ngẩn”, đồng thời nói nếu Philippines rút khỏi tổ chức này, thì ông sẽ mời các quốc gia khác như Trung Quốc và các nước châu Phi thành lập một tổ chức quốc tế mới. Ông cũng nói Liên hiệp quốc nên trả lại cho Philippines các đóng góp tài chính.

“Hãy nhìn vào hình ảnh cậu bé bị đưa ra khỏi đống đổ nát. Cậu ta đã bị buộc phải ngồi trong xe cứu thương và chúng ta đều thấy điều đó”, ông Duterte nói về bức ảnh của cậu bé  5 tuổi người Syria, Omran Daqneesh, lan truyền rộng rãi trên Internet từ tuần trước.

“Tại sao nước Mỹ không làm được điều gì? Có ai trong cái tổ chức ngớ ngẩn đó phàn nàn về tử khí [ở Syria] hay không?” ông Duterte nói.

500 nghi phạm thiệt mạng, hơn 4.400 người bị bắt

Khi được hỏi về khả năng xảy ra hậu quả từ những phát biểu này, ông Duterte trả lời: “Tôi chẳng quan tâm. Chính họ mới là những người can thiệp vào chuyện của chúng tôi”.

Tổng thống Philippines cho rằng có thể giới chức Liên hiệp quốc đang dọa bỏ tù ông, đồng thời nhắc lại rằng ông sẵn sàng hy sinh mạng sống và chức vụ vì đất nước của mình.

Đáp trả những lời chỉ trích của Mỹ, ông Duterte nhắc đến loạt vụ cảnh sát Mỹ giết người da màu thời gian qua dẫn tới làn sóng biểu tình mạnh mẽ ở nước này.

“Tại sao người Mỹ các ông lại giết người da màu ở đó vậy? Tại sao lại bắn họ ngã gục trong khi họ vốn dĩ đã ở dưới mặt đất rồi”, ông Duterte nói. “Hãy trả lời câu hỏi đó, bởi vì dù chỉ 1, 2, hay 3 người bị giết, thì đó vẫn là sự vi phạm nhân quyền”.

Kể từ khi ông Duterte nhậm chức hôm 30/6 đến nay, chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của ông đã khiến hơn 500 nghi phạm thiệt mạng và hơn 4.400 người bị bắt. Gần 600.000 người đã đầu hàng cảnh sát để tránh bị tiêu diệt. Những vụ bắt giữ này khiến hệ thống nhà tù vốn đã đông đúc của Philippines càng thêm phần quá tải.