06:00 22/09/2021

TP.HCM: Bài toán khó kết nối các tuyến metro trên toàn hệ thống

Xuân Thái

TP.HCM đang tính bài toán kết nối 8 tuyến metro với nhau; tuy nhiên, do đặc điểm kỹ thuật phức tạp, công nghệ sử dụng ở mỗi dự án tuyến metro khác nhau nên việc kết nối trên toàn hệ thống sao cho đồng bộ không hề đơn giản...

Kết nối metro, bài toán khó phải tính toán từ bây giờ. Trong ảnh: Một trong số các đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã về đến TP.HCM
Kết nối metro, bài toán khó phải tính toán từ bây giờ. Trong ảnh: Một trong số các đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã về đến TP.HCM

Theo quy hoạch tổng thể hệ thống metro của TP.HCM, 8 tuyến metro kết nối và đan xen nhau, trong đó có 4 tuyến kết nối về ga trung tâm Bến Thành là các tuyến số 1, 2, 3a và 4.

KẾT NỐI METRO, BÀI TOÁN KHÓ PHẢI TÍNH TỪ BÂY GIỜ

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, và tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, tại nhà ga trung tâm Bến Thành.

Đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM dựa trên báo cáo phân tích xác lập quy mô, tổng mức đầu tư dự kiến và các bản vẽ của dự án mà Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã trình trước đó. Dự kiến phải chi đến hơn 2.100 tỷ đồng cho dự án kết nối này.

MAUR cho biết, bài toán kết nối metro khi các tuyến đi vào hoạt động đang là vấn đề nan giải. Các chuyên gia về hạ tầng và giao thông cũng từng đưa ra nhận định rằng, nếu không tính toán ngay từ bây giờ, đến khi các tuyến metro hoàn thành và đi vào hoạt động, làm thế nào để kết nối đồng bộ là cả một vấn đề nan giải, phức tạp.

Hiện tại, khu vực nhà ga trung tâm Chợ Bến Thành là ga kết nối các tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương là 2 tuyến đang xây dựng, trong đó tuyến số 1 đã hoàn thành được 87% khối lượng và tuyến số 2 đang khởi công. Hai tuyến còn lại sẽ kết nối với ga trung tâm Bến Thành là tuyến số 4 Thạnh Xuân – Hiệp Phước (kết nối quận 12 đi Nhà Bè) và tuyến số 3a Bến Thành – Tân Kiên (Bình Chánh).

Đây là 4 trong 8 tuyến metro trong hệ thống metro của TP.HCM theo quy hoạch tổng thể metro TP.HCM, đã được Chính phủ quy hoạch theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013 phê duyệt, với tổng chiều dài 169 km.

Khu vực ga trung tâm Bến Thành cũng đồng thời là không gian của dự án ngầm 4 tầng dưới lòng đất: Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. Từ hơn 10 năm nay, cụ thể là từ năm 2009, đã có các nghiên cứu làm thế nào để kết nối các tuyến metro với nhau, đặc biệt là 4 tuyến như đã nói. Một dự án “Nhà ga chung” cho các tuyến số 1, số 2 và số 4 từng được Chính phủ Vương quốc Bỉ đề xuất và viện trợ triển khai; song trên thực tế cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu tiến triển nào, hay một “cái bắt tay” hành động cụ thể nào cho bài tính kết nối metro này.

CẦN 2.100 TỶ ĐỒNG ĐỂ KẾT NỐI 2 TUYẾN METRO SỐ 1 VÀ SỐ 2

Về dự án xây thêm nhà ga kết nối tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương vào ga trung tâm Bến Thành, trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 từ năm 2007, của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải (TRICC), nhà ga Bến Thành nằm trong dự án đầu tư tuyến metro số 2, quy mô nhà ga 4 tầng, chiều dài khoảng 196 m.

Trong quá trình này có chủ trương nghiên cứu và xây dựng nhà ga chung Bến Thành phục vụ cho các tuyến 1, tuyến 2 và tuyến 4. Chính vì vậy, tại Quyết định số 4474/2010/QĐ-UBND ngày 11/10/2010 của Ủy ban nhân dân TP.HCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 2, không bao gồm nhà ga Bến Thành này. Trong quá trình thực hiện công tác điều chỉnh dự án tuyến metro số 1 và số 2 trên cơ sở báo cáo của Hội đồng thẩm định Thành phố, Thường trực Uỷ ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo MAUR khẩn trương thực hiện ngay các thủ tục đầu tư công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành, bằng một dự án riêng theo luật đầu tư công.

Dự kiến sơ bộ, tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 2.100 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách của Thành phố. Kế hoạch ban đầu xây dựng trong giai đoạn 2020 - 2026. Chi phí vận hành dự án sau khi hoàn thành khoảng 31 tỷ đồng/năm.

Theo MAUR cho biết, JICA đã tiến hành nghiên cứu tổng thể Trung tâm Thương mại ngầm Bến Thành, bao gồm nhà Ga Trung tâm Bến Thành. Theo đó sẽ có rất nhiều lối lên xuống để hành khách có thể vừa tiếp cận Trung tâm Thương mại ngầm Bến Thành, vừa sử dụng nhà Ga Trung tâm Bến Thành. Hành khách cũng có thể chuyển tiếp ga từ tuyến số 1 qua tuyến số 2, và ngược lại.

Dự án sau khi được hoàn thành, sẽ bảo đảm kết nối đồng bộ cho 2 tuyến metro số 1 và số 2. Cùng với các tuyến số 3a và số 4 được đầu tư trong giai tiếp theo, khu vực tổ hợp ga ngầm Bến Thành sẽ đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện cho người dân, giảm thiểu ùn tắc, tại nạn giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là khu vực trung tâm Thành phố.

 
Theo MAUR, năm 2012, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã có bản báo cáo khảo sát sơ bộ dự án nhà Ga Trung tâm Bến Thành.
Dự án được thực hiện bởi JICA với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, như: Nikken, Sekkei, Nippon Koei, Jarts, Sumitomo. Theo báo cáo, tất cả các ga và tiện ích của các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4 được tích hợp trong Ga Trung tâm Bến Thành. Các báo cáo này diễn ra trong nhiều phiên báo cáo, thuyết trình, tham vấn, phản biện; song đến phiên nghiên cứu thiết kế thứ ba, năm 2015, mới được TP.HCM phê duyệt.