TP.HCM ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2023
Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM năm 2023 nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn phục vụ công tác quản lý nhà nước và triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử…
Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM năm 2023.
Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử TP.HCM năm 2023 nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn phục vụ công tác quản lý nhà nước, cũng như triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử.
Kế hoạch đồng thời nhằm đào tạo, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử...
Chương trình cũng nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia các giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh hình thức kinh doanh thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, chương trình còn nhằm hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.
Theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn năm 2023 hướng đến bốn mục tiêu chính: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp; phát triển giao dịch thương mại điện tử trong cộng đồng; và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử.
Là địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam, TP.HCM được đánh giá là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, thuộc loại lớn nhất nước, chiếm 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến của cả nước.
Các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM,…), thanh toán trên Internet…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM đã và đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người dùng sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.
Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do bùng bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM (2020 – 2021), nhiều nhà bán lẻ công nghệ đã “kích hoạt” các kênh bán hàng online. Các hệ thống bán lẻ, các sàn thương mại điện tử đẩy mạnh bán hàng online, hỗ trợ giao hàng miễn phí tại nhà... Đây là giai đoạn hoạt động thương mại điện tử “bùng phát” mạnh mẽ và kể từ đó, người dân đã bắt đầu quen dần với hình thức mua bán hàng online, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại TP.HCM mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM nằm trong 3 chương trình đột phá của TP.HCM, được thông qua tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa XI 2020 – 2025.