TP.HCM bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết Giáp Thìn với giá bình ổn
Sức mua tại TP.HCM đang có dấu hiệu nhích dần dù chưa cao như mọi khi. Chỉ còn vài tuần lễ nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn và dự báo sẽ tăng lên khoảng 10 – 15% vào những ngày cận Tết...
Sở Công thương TP.HCM vừa có buổi làm việc với đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn TP.HCM.
Theo báo cáo của Phòng quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn có 45 doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp này đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ hai tháng tết trị giá hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó, giá trị hàng hóa hàng bình ổn thị trường là hơn 8.500 tỷ đồng.
Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% - 43% thị phần. Doanh nghiệp tham gia bình ổn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng quản lý Thương mại Sở Công Thương TP.HCM, cho biết nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường thành phố thông qua 3 chợ đầu mối (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền) đạt bình quân 7.600 tấn/ngày; bao gồm: 800 tấn thịt gia súc, gia cầm; 1.200 tấn thủy hải sản; 5.600 tấn rau, củ quả các loại. Dự kiến, đến thời điểm cận tết, lượng hàng nhập về chợ tăng lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày.
“Để bảo đảm hàng hóa không bị thiếu hụt trong những ngày cao điểm, các đơn vị có phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường, đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để bảo đảm nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng”, ông Y khẳng định.
Về cơ bản, hàng hóa phục vụ tết cho người dân TP.HCM rất dồi dào, cả về lượng và chất, đa dạng chủng loại, các mặt hàng bình ổn bảm đảm cung ứng đủ cho thị trường, giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, điều lo lắng nhất hiện nay là sức mua thấp. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu; nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể gặp khó do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, công nhân tạm nghỉ về quê.
Ghi nhận nhanh ở các chuỗi phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon, MM Mega Market, Gigmall,… cho thấy, ở đây tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5 - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; thậm chí có những mặt hàng “siêu giảm giá” tới 80 - 90%, như quần áo thời trang, giày dép,…
Một vấn đề đáng quan tâm trong thời điểm mua sắm tết, đó là tình trạng trà trộn hàng giả, kém chất lượng tuồn vào thị trường gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, làm xáo trộn thị trường, xáo trộn tình hình an ninh trật tự chung.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM nhận định: Càng vào thời điểm cận tết, áp tết, sức mua sẽ sôi động hơn, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thường lợi dụng để tung hàng gian, hàng giả trục lợi.
"Các đối tượng này hay tập trung các mặt hàng như thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử, quần áo, giày dép, mắt kính, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng điện gia dụng, hàng điện tử, thiết bị điện, thuốc tân dược", ông Huy thông tin…
Vị đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thương mại, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường; nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đối với việc kinh doanh, buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ trên không gian mạng (MXH Facebook, Zalo…), Cục Quản lý thị trường TP.HCM nhấn mạnh sẽ thực hiện quản lý hình thức kinh doanh thương mại điện tử bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ; bao gồm phối hợp thường xuyên với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, và kể cả các sàn giao dịch thương mại điện tử để tuyên truyền pháp luật, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thương mại điện tử.
Trên địa bàn TP.HCM, hiện có 3 chợ đầu mối (Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền), 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố hiện đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán.