10:46 16/01/2024

Tưng bừng kích cầu, “đón sóng” tiêu dùng mùa Tết

Tuệ Mỹ

Theo dự báo của Bộ Công thương, dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có thể tăng hơn 10%, do đó, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được nhiều doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10% đến 25% so cùng kỳ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tết Nguyên đán thường là dịp người dân chi tiêu nhiều hơn, sẵn sàng “mở hầu bao” cho những mặt hàng cao cấp hơn bình thường để ăn mừng năm mới, biếu tặng người thân, bạn bè... Tuy nhiên, năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, nên đến thời điểm hiện tại thị trường Tết vẫn khá trầm lắng. Nhiều người dân cho biết sẽ chỉ mua những loại hàng hóa thực sự cần thiết và có giá bình dân để tiết kiệm chi phí.

TĂNG SẢN LƯỢNG, ĐÓN ĐẦU NHU CẦU

Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho mùa Tết như mứt tết, bánh kẹo, bia đều đã lên kế hoạch tăng sản lượng để có thể đón đầu nhu cầu này cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hoá. Đại diện MM Mega Market (Việt Nam) thì cho biết, doanh nghiệp đã tăng 20 - 30% tổng lượng dự trữ hàng hóa, đồng thời làm việc với nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất; đồng thời triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10 - 30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến Tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.

Tương tự, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã phối hợp với Công ty TNHH xuất nhập khẩu và bán lẻ hàng tiêu dùng Hà Nội (HCRC) xây dựng kế hoạch marketing với những chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà… Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp tại điểm bán, hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Nhiều người dân cho biết sẽ chỉ mua những loại hàng hóa thực sự cần thiết và có giá bình dân để tiết kiệm chi phí.
Nhiều người dân cho biết sẽ chỉ mua những loại hàng hóa thực sự cần thiết và có giá bình dân để tiết kiệm chi phí.

Ông Đặng Nguyên Phương, Phó Trưởng phòng Marketing, Công ty Cổ phần Habeco, chia sẻ: "Tết năm nay, công ty áp dụng chính sách bình ổn giá để phù hợp hơn với tình hình kinh tế của người dân, để có thể kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024". Tại hệ thống bán lẻ này, họ đã làm việc với nhà cung cấp từ tháng 7 để đảm bảo không thiếu thực phẩm tươi sống và giá cả cũng không tăng trong giai đoạn tết Nguyên đán.

Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm tươi sống luôn được người tiêu dùng quan tâm dịp này. Tại TP.HCM, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm đang giảm giá từ nay cho đến Tết các sản phẩm thịt heo và các loại thực phẩm chế biến từ thịt heo như giò chả, xúc xích khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Chẳng hạn, Saigon Co.op đang giảm giá từ 15 - 20% cho các sản phẩm cốt lết heo, nạc đùi, nạc vai, cốt lết ướp muối sả, sườn chặt heo của các thương hiệu AHT, Nam Phong...

Các siêu thị Emart cũng đang giảm giá 18 - 37% cho một số loại thịt heo như cốt lết heo, ba rọi heo, thịt đùi heo thảo mộc, nạc vai… Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết đây là lần đầu tiên doanh nghiệp tổ chức lễ hội thịt heo với quy mô trên toàn quốc. Chương trình nhằm đồng hành cùng người tiêu dùng trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm mặt hàng thiết yếu là thịt heo, phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết”, bà Vân nói.

Tưng bừng kích cầu, “đón sóng” tiêu dùng mùa Tết - Ảnh 1

ĐỒNG BỘ GIẢI PHÁP BÌNH ỔN GIÁ

Để kích cầu tiêu dùng những ngày cuối năm, đặc biệt để bình ổn giá, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thuộc, trực thuộc bộ và Sở Tài chính các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và cả năm 2024.

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện sản lượng thịt các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng gần 6,4%, sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%, dự báo nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào. Do đó, dù nhu cầu tiêu thụ được dự báo gia tăng so với cùng kỳ nhưng sản lượng thực phẩm thiết yếu vẫn sẽ đảm bảo đủ để cung ứng, tránh tình trạng thiếu hụt khiến giá “đội” lên cao.

Về phía các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đa số đơn vị cho biết chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Danh mục sản phẩm được chú trọng đưa ra thị trường năm nay bao gồm các loại thực phẩm, nông sản, bánh kẹo… có mức giá phải chăng. Đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều, không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền như thịt heo, thịt gà, cá, rau quả... nhiều siêu thị đang áp dụng chương trình bình ổn giá, tăng khuyến mãi giảm giá để kích cầu, hạn chế tăng giá dịp cận Tết.

Sở Công thương TPHCM thông tin, có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết như Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, Vissan, C.P Việt Nam, San Hà,… Các doanh nghiệp chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng hàng hóa, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường. Đối với kênh phân phối hiện đại (48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động) cũng đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết.

Các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đa số đơn vị cho biết chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đa số đơn vị cho biết chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Doanh nghiệp lên nhiều phương án dự trù, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng phối hợp với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai theo dõi số lượng hàng hóa xuất - nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm,…”, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, nhấn mạnh.

Thông tin về hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Giáp Thìn, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các sở, ngành triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành theo quyết định của UBND thành phố, với mục tiêu kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

"Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Công Thương tập trung triển khai các hoạt động kích cầu, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu bánh, mứt, kẹo bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không mua hàng không rõ thông tin, nhãn mác", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.