17:42 20/04/2022

TP.HCM cần 65.000 – 72.000 lao động trong quý 2/2022

Xuân Nghi

Thị trường lao động TP.HCM có xu hướng gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề vững và dự báo trong quý II năm 2022 này sẽ cần khoảng 65.000 đến 72.000 lao động.

Thị trường lao động tại TP.HCM đang có xu hướng gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề vững.
Thị trường lao động tại TP.HCM đang có xu hướng gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề vững.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nền kinh tế đã dần đi vào ổn định trở lại, tạo động lực cho TP.HCM tiếp tục phát triển kinh tế theo định hướng đã được đề ra.

Kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, được thực hiện bởi Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) vừa qua, cho thấy, nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm 86,47% tổng nhu cầu nhân lực.

Trong số đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,82%; cao đẳng chiếm 19,19%; trung cấp chiếm 27,58%; sơ cấp chiếm 18,88%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp, chỉ chiếm 13,53% tổng nhu cầu nhân lực. Điều này cho thấy đã và đang có xu hướng gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao trong yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

 

Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tạo động lực cho TP.HCM tiếp tục phát triển kinh tế theo những định hướng đã đề ra cho năm 2022. Thành phố cũng dự kiến nhu cầu nhân lực trong quý II/2022 cần khoảng 65.500 – 72.500 chỗ làm việc.

Theo FALMI, trong năm 2022, nhu cầu nhân lực bốn ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 19,09%. Cụ thể, ngành cơ khí chiếm 5,17%; sản xuất hàng điện tử chiếm 7,01%; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống chiếm 3,42%; hóa dược – nhựa – cao su chiếm 3,49%.

Số liệu khảo sát và dự báo của FALMI năm 2022 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trong doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 1,17% tổng nhu cầu nhân lực trong khi nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp tư nhân chiếm rất cao, đến 89,66%. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 9,17% trong tổng nhu cầu.

Nhu cầu nhân lực chín ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 57,89%. Bao gồm: ngành thương nghiệp chiếm 16,42%; vận tải kho bãi chiếm 2,84%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 2,75%; thông tin và truyền thông chiếm 5,2%; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 8,89%; kinh doanh bất động sản chiếm 9,91%; khoa học và công nghệ chiếm 8,98%; giáo dục và đào tạo chiếm 2,05%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 0,85%...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong năm 2022, thị trường lao động của Thành phố tiếp tục phát triển theo hướng gia tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, đồng thời giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Ước tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP.HCM có khoảng 4,9 triệu lao động đang làm việc. Bao gồm: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%; công nghiệp - xây dựng chiếm 37,15%; thương mại - dịch vụ chiếm 61,89%. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp khoảng hơn 3 triệu người; trong đó lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 3%, doanh nghiệp tư nhân 74,5% và doanh nghiệp FDI khoảng 22,49%.

Báo cáo sơ kết thị trường lao động TP.HCM quý I/2022 của FALMI cũng cho biết, nhu cầu tìm việc trong ba tháng đầu năm là  23.092 người, tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề, như: Kinh doanh thương mại; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch, dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ logistics; kế kiểm toán; nhân sự;  marketing; quản lý điều hành; kiến trúc - xây dựng và kỹ thuật công trình;  du lịch - lưu trú - ăn uống và các nhóm nghề khác chiếm 23,86%.

Cũng trong quý I, nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành, nghề như sau. Nhóm kinh doanh thương mại cần 10.814 chỗ làm; nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần 4.256 chỗ làm; nhóm dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển có nhu cầu cần 3.239 chỗ làm; nhóm kinh doanh quản lý tài sản – bất động sản cần 3.064 chỗ làm.

Các nhóm có nhu cầu nhân lực dưới 3.000 chỗ làm việc, gồm: Dệt may – giày da cần 2.710 chỗ làm; công nghệ thông tin cần 2.410 chỗ làm; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm cần 2.001chỗ làm; hành chính – văn phòng – biên phiên dịch cần 1.613 chỗ làm việc; tiếp thị - marketing cần 1.468 chỗ làm. Các nhóm nghề khác, có nhu cầu cần 10.114 chỗ làm việc.

Riêng trong tháng 3/2022 vừa qua, Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 80.500 người trong số 300.000 lượt tham gia tuyển dụng; trong đó việc làm mới là 36.563 người, tăng 1,39% so cùng kỳ 2021.

Được biết, với chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19 và độ phủ vaccine tăng cao, thị trường lao động quý I/2022 của cả nước đã dần hồi phục. Thị trường lao động quý I của cả nước dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.

Bức tranh thị trường lao động trong quý I, theo Vụ Thống kê dân số lao động, Tổng cục Thống kê, vẫn thiếu sự bền vững do số lao động có việc làm tăng nhanh, lại chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Còn lao động trong các ngành nông - lâm nghiệp và công nghiệp - xây dựng lại giảm so với quý trước, tức quý IV/2021.