11:43 14/06/2021

TP.HCM cần thiết giãn cách xã hội thêm 2 tuần

Minh Tâm

Nhận định mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện phát tán và lây lan, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 14 ngày…

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin về tình hình dịch bệnh tại cuộc họp sáng 14/6 (Ảnh Trung tâm báo chí TP.HCM).
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin về tình hình dịch bệnh tại cuộc họp sáng 14/6 (Ảnh Trung tâm báo chí TP.HCM).

Sáng ngày 14/6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Cuộc họp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì với sự góp mặt của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Cuộc họp tập trung vào việc dừng hay tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 toàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Bởi hôm nay (14/6) là ngày cuối cùng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM vào ngày 31/5 vừa qua.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Thời gian giãn cách 14 ngày, kể từ ngày 15/6.

Theo ông Bỉnh, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, nếu gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Sở Y tế cũng đề nghị giãn cách nghiêm túc ở tất cả lĩnh vực theo đúng chỉ đạo của thành phố, đồng thời áp dụng 5K một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ hơn. Sau một tuần sẽ đánh giá lại tình hình để đề ra biện pháp phòng chống dịch phù hợp tình hình thực tế.

 
Việc áp dụng giãn cách thêm sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM có đủ thời gian, điều kiện để quyết định những vấn đề quan trọng", - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng việc TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa, tương ứng một chu kỳ lây nhiễm của chủng biến thể mới hiện nay, là cần thiết.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý, đối với những nơi có nguy cơ cao, dự liệu những tình huống khó đoán định, khó kiểm soát thì có thể áp dụng những biện pháp phòng chống dịch cao hơn. Những nơi đảm bảo an toàn, có thể đảm bảo kiểm soát được có thể áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 19.

Trước đó, vào ngày 13/6, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức cùng đại diện các sở ngành đã làm việc với quận Gò Vấp để đánh giá tình hình dịch sau thời gian giãn cách, và đề xuất các giải pháp tiếp theo.

Sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) có chuyển biến tốt, tốc độ lây nhiễm giảm nhiều so với những ngày đầu thực hiện giãn cách và các chuỗi lây nhiễm liên quan đến Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát.

Số ca nhiễm mới ở hai địa phương này hầu hết đều là các trường hợp đã cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa tuyệt đối. Không phát sinh chùm ca bệnh mới.

 
Theo Sở Y tế TP.HCM, tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng từ 18/5 đến ngày 13/6 là 821 ca nhiễm, tại tất cả các quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, các quận huyện có nhiều ca nhiễm nhất, gồm: Gò Vấp 115 ca, quận 12 có 72 ca nhiễm, Bình Thạnh có 66 ca nhiễm, Tân Bình có 63 ca nhiễm, Bình Tân có 61 ca nhiễm và Tân Phú có 51 ca nhiễm.
Có nhiều chuỗi lây nhiễm được phát hiện trong thời gian trên, gồm: chuỗi “Công ty Grove ở quận 3”, chuỗi “Bánh canh O Thanh quận 3”, chuỗi “Nhóm truyền giáo Phục Hưng” và nhiều chuỗi lây nhiễm khác chưa rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết thành phố đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng tại Khu dân cư E Home3, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Xưởng Cơ khí Hóc Môn, phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức)…
Đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta (virus Ấn Độ) gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đăc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố.