07:00 28/09/2023

TP.HCM chấn chỉnh hoạt động trường ngoài công lập

Thanh Thủy

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động của các trường ngoài công lập, yêu cầu các trường tư thục cần tách biệt hoạt động doanh nghiệp và hoạt động trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu…

TP.HCM hiện có 961 trường ngoài công lập từ mầm non đến THPT - Ảnh minh họa
TP.HCM hiện có 961 trường ngoài công lập từ mầm non đến THPT - Ảnh minh họa

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có văn bản số 5419/SGDĐT-GDNCL về việc chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục các trường ngoài công lập (trường tư thục) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đối với trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài sau khi được phép hoạt động giáo dục phải tổ chức hoạt động theo quy định hiện hành. Khi có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, thay đổi về một trong các nội dung được cấp phép (địa điểm hoạt động giáo dục, nội dung hoạt động giáo dục…), đơn vị phải thực hiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh và gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét và thẩm định quyết định cho phép hoạt động giáo dục.

Đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, nguồn vốn đầu trong nước, thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP. Sau thời hạn 2 năm, kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường không được cho phép hoạt động giáo dục thì Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố báo cáo UBND TP.HCM quyết định hủy bỏ quyết định cho phép thành lập trường

Đối với trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục, đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục (theo Điều 48 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP). Sau thời hạn 2 năm kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hết hiệu lực.

Đối với vấn đề liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài, Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý triển khai dạy học chương trình nước ngoài sau khi nhận được đầy đủ 2 quyết định: quyết định phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và Quyết định phê duyệt liên kết giáo dục với nước ngoài do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Riêng những trường trước đây cho thí điểm dạy chương trình nước ngoài phải thực hiện theo văn bản số 90/UBND-VXVP ngày 9/1/2021 của UBND TP.HCM.

Sở yêu cầu các trường ngoài công lập, khi có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, thay đổi một trong các nội dung được cấp phép (địa điểm, nội dung hoạt động giáo dục), đơn vị phải thực hiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh để Sở xem xét, thẩm quyền quyết định cho phép hoạt động. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện hồ sơ gia hạn thời gian hoạt động giáo dục trong thời hạn 6 tháng trước khi quyết định cho phép hoạt động giáo dục hết hiệu lực thi hành

Bên cạnh đó, các đơn vị treo biển tên trường đúng tên được ghi trong quyết định cho phép thành lập của UBND TP. HCM; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất an toàn cho học sinh.

Về học phí, các trường cần thực hiện theo quy định tại nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí phát hành trái phiếu học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính, thành lập công đoàn cơ sở, sử dụng con dấu nhà trường đúng mục đích.

 

TP.HCM hiện có 961 trường ngoài công lập, từ mầm non đến THPT với 274.000 học sinh. Trong đó, hơn 20 trường dạy chương trình phổ thông của Anh, Mỹ, Canada, Australia, thường được gọi là trường quốc tế. Theo chương trình này, học sinh hết lớp 12 phải thi tốt nghiệp để nhận một trong các chứng chỉ như bằng tú tài Anh (A-level), tú tài quốc tế (IB), tú tài bang Ontario, Canada (OSSD).