13:34 16/07/2021

TP.HCM: chuỗi cửa hàng mỹ phẩm, sàn thương mại… thành điểm bán thực phẩm

Hoài Phương

Chiều 15/7, Tp.HCM tổ chức hội nghị sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Trong đó, nhiều vấn đề xung quanh việc cung ứng thực phẩm cho người dân đã được mang ra bàn thảo…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - GIám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện nay, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Sở đã tổ chức khảo sát và công bố 2.833 điểm bán phân bố rộng trên 23 quận, huyện và TP.Thủ Đức, gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn cùng với đó là 28.700 cửa hàng bách hóa.

Trước khi thực hiện chỉ thị 16, người dân TP.HCM cần 7.000 tấn lương thực thực phẩm/ngày. Khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng sụt giảm 50%. Hiện các siêu thị, doanh nghiệp bình ổn đã nâng quy mô, năng lực cung ứng, nhưng so với nhu cầu của người dân vẫn thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống..

Sở Công thương đã phối hợp TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tìm giải pháp, khai thác các khu vực gần chợ đầu mối để làm các địa điểm trung chuyển hàng hóa. Đến nay đã đưa vào hoạt động được 3 ngày, tiếp nhận 100 tấn rau củ quả từ các địa phương đổ về. Đồng thời phát huy vai trò của các thương lái ở chợ đầu mối, tiếp tục thực hiện thông qua giao hàng trực tuyến, giao hàng qua điện thoại để đưa hàng về TP.HCM. 

Tp.HCM sẽ đưa vào hoạt động thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân từ ngày hôm nay.
Tp.HCM sẽ đưa vào hoạt động thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân từ ngày hôm nay.

Để giải quyết việc cung cấp thực phẩm, ngày 16/7, Sở Công Thương TP.HCM sẽ kết hợp với nhiều doanh nghiệp đưa vào hoạt động thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân. Trước đó, Sở đã phối hợp với 7 đơn vị để mở 153 điểm bán hàng lưu động với 172 lượt xe (có nhiều điểm 2 - 3 xe tải vận chuyển hàng) để phục vụ người dân, trong đó có 68 điểm tại bưu cục của Viettel Post, 22 điểm của VN Post ở 18 quận huyện, cung cấp vài chục tấn hàng hóa đầu tiên bao gồm nhiều loại nông sản, thực phẩm tươi như rau, củ, quả. Sở cũng phối hợp với Công ty Ba Huân, San Hà và một vài siêu thị khác mở 63 điểm để phân phối cho người dân. Các điểm bình ổn lưu động trên đều bán giá thấp hơn hoặc bằng giá bán theo quy định của Sở.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm, nhiều điểm bán thực phẩm bổ sung sẽ chính thức khởi động, sử dụng cửa hàng hiện có của đơn vị đang hoạt động. Theo đó, 150 điểm bán của Con Cưng - chuỗi cửa hàng cho em bé và mẹ bầu, 65 điểm bán của Guardian - chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng làm đẹp và hệ thống Vinshop sẽ đưa mặt hàng rau củ và hàng đông lạnh vào bán tại các cửa hàng ở TP.HCM.

Thành phố cũng huy động các công ty bưu chính, giao hàng nhanh, các doanh nghiệp logistics... hỗ trợ 1.000 điểm bán bổ sung. Ngày mai các điểm bán bổ sung này sẽ chính thức khởi động, sử dụng hệ thống cửa hàng hiện có của đơn vị cung ứng đang hoạt động.  Ngoài ra, Sở Công Thương thành phố còn huy động 7 công ty logistics hoạt động độc lập với các điểm bán này với công suất 1.000 tấn để hạ nhiệt giá thực phẩm của chợ truyền thống.

Song song với đó, lãnh đạo Sở Công thương cho biết đã làm việc với Tiki, Lazada, Sen Đỏ... để thống nhất bán rau củ quả trên sàn thương mại điện tử và sử dụng chính kho hàng của họ. Các đơn vị này cũng đã đồng ý triển khai.

Sở Công thương cũng cho biết đã làm việc với các quận, huyện đánh giá để mở lại các chợ truyền thống có đủ điều kiện phòng chống dịch. Qua đó, các quận huyện phản ánh có khó khăn về lực lượng. 

"Chúng tôi sẽ bàn bạc, nghiên cứu để các chợ sẽ hoạt động theo mô hình tự quản, giảm thiểu tối đa số lượng sạp để thực hiện 5K, hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu. Và tiếp tục suy nghĩ ứng dụng công nghệ thông tin, đưa dần chợ có đủ điều kiện chống dịch hoạt động để giúp người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nguồn rau củ quả," - ông Vũ nói. 

Nhiều điểm bán thực phẩm bổ sung sẽ chính thức khởi động, sử dụng cửa hàng hiện có của đơn vị đang hoạt động.
Nhiều điểm bán thực phẩm bổ sung sẽ chính thức khởi động, sử dụng cửa hàng hiện có của đơn vị đang hoạt động.

Đồng ý xem xét mở lại các chợ truyền thống khi đủ tiêu chuẩn phòng dịch, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, khi tổ chức bán hàng lưu động, Sở Công Thương và các nhà cung cấp cần khớp nối với nhu cầu thực phẩm của người dân tại từng địa bàn để tránh nơi thừa, nơi thiếu. “Khi chúng ta tăng 5 - 7 điểm bán hàng lưu động nhưng không phù hợp với nhu cầu của người dân tại đó thì cũng không giải quyết hiệu quả cho nhu cầu của người dân. Tất cả phải hướng đến mục tiêu đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân nhưng phải tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch,”  ông Phong nhấn mạnh.

Đối với việc thí điểm mở lại một số chợ truyền thống, ông Phong cũng yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần có những tính toán về phương án phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Ví dụ, các quận, huyện có thể tính toán đến phương án kẻ vạch, phân ô tại các vỉa hè, sân vận động để tiểu thương mua bán nhu yếu phẩm thay vì lựa chọn mở lại gian hàng trong chợ truyền thống.