16:41 25/08/2023

TP.HCM đề xuất cho thí điểm dạy lái xe ô tô online

Thi Nguyễn

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất triển khai đề án thí điểm đào tạo tập trung trên nền tảng số đối với đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B,C…

TP.HCM đề xuất các bộ môn lý thuyết lái xe ô tô hạng B1, B2, C chuyển đổi sang hình thức dạy và học online - Ảnh minh họa
TP.HCM đề xuất các bộ môn lý thuyết lái xe ô tô hạng B1, B2, C chuyển đổi sang hình thức dạy và học online - Ảnh minh họa

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện hình thức dạy lý thuyết lái xe ô tô tồn tại một số điểm bất cập, mâu thuẫn giữa Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Luật Giao thông đường bộ 2008.

Đơn cử, trường hợp cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình dạy lái xe ô tô (hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F) theo hình thức học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn định nghĩa của Luật Giáo dục nghề nghiệp thì mâu thuẫn với quy định dạy tập trung tại cơ sở dạy lái xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Trước sự bất cập nói trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn ô tô Hiệp Phát xin phép triển khai đề án thí điểm “đào tạo tập trung trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B (B1, B2), C”.

Đề án mong muốn áp dụng thí điểm dạy phần lý thuyết lái xe ô tô hạng B1, B2, C tập trung trên nền tảng số. Học viên tự học có hướng dẫn và giám sát thông qua hệ thống phần mềm, công nghệ số.

Với hình thức này, học viên sử dụng máy tính, điện thoại, trang web... tự học, trao đổi kiến thức với người dạy, người học khác mọi lúc. Như vậy, những người học tiết kiệm chi phí học tập, thời gian học, linh động sắp xếp lịch học.

Các bộ môn lý thuyết được đề xuất chuyển đổi sang hình thức dạy và học online gồm: môn pháp luật giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; môn nghiệp vụ vận tải; môn đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; môn kỹ thuật lái xe.

Về đề án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn ô tô Hiệp Phát, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá có cơ sở pháp lý để thực hiện. Quá trình dạy lái xe cần chuyển đổi số để tạo điều kiện cho người dân bố trí thời gian học linh hoạt, phù hợp xu hướng và lộ trình của thế giới.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi dạy lái xe ô tô tập trung trên nền tảng số là cần thiết, giúp khắc phục những bất cập đang tồn tại.

Mặt khác, việc thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái ô tô, thay đổi phương thức đào tạo các môn học lý thuyết từ truyền thống sang phương thức đào tạo theo mô hình tập trung trên nền tảng số phù hợp với chương trình chuyển đổi số, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử của Chính phủ.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn ô tô Hiệp Phát triển khai thí điểm đề án tại TP.HCM. Thời gian thí điểm 2 năm, từ ngày chấp thuận hoặc đến khi Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 được thay đổi.

Sau khi được Bộ Giao thông vận tải thống nhất triển khai,Ủy ban nhân dân TP.HCM sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, xem xét giải quyết với đề án đề xuất thí điểm (nếu có) của các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn TP.HCM để tránh tình trạng độc quyền.

 

Từ năm 2023, tất cả các học viên học lái xe phải học thêm môn học lái xe ô tô trên cabin mô phỏng, nội dung trong một khoá học khi học lái xe ô tô cũng đã được gia tăng. Cụ thể, theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa bởi Thông tư 04/2022/TT-BGTVT, thời gian học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng của mỗi học viên được quy định cụ thể.

Trong đó, học viên học bằng lái xe ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3 giờ/khóa học. Học viên học nâng hạng bằng lái xe ô tô sẽ học lái xe trên cabin mô phỏng 1 giờ (Riêng học nâng hạng từ B1 tự động số lên B1 thì không phải học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng).