21:21 25/03/2022

TP.HCM: Hàng loạt dự án trọng điểm bị đình trệ vì vướng mặt bằng

Xuân Nghi

Hiện tại, TP.HCM có rất nhiều dự án đang bị tạm ngưng do chưa có mặt bằng, trong đó có những dự án lớn, hàng ngàn tỷ đồng. Điều này gây thiệt hại về kinh tế đồng thời ảnh hưởng đến giao thông đô thị của Thành phố...

Dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (Thủ Đức) với vốn đầu tư 857 tỷ đồng, được khởi công năm 2016 nhằm thay cầu cống đập Rạch Chiếc, đến nay nằm "đắp chiếu" sau khi thi công được 39% khối lượng...
Dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (Thủ Đức) với vốn đầu tư 857 tỷ đồng, được khởi công năm 2016 nhằm thay cầu cống đập Rạch Chiếc, đến nay nằm "đắp chiếu" sau khi thi công được 39% khối lượng...

Thông tin từ Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), hiện có khoảng 90% dự án đang phải tạm ngừng thi công để “chờ” mặt bằng.

QUÁ NHIỀU DỰ ÁN NGỪNG TRỆ VÌ MẶT BẰNG

Dự án xây dựng đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, được khởi công từ năm 2015 đến nay đã hơn 6 năm, mới chỉ làm xong phần phát quáng, đắp nền mà không tiến triển thêm do không có mặt bằng thi công.

Dự án đường song hành này có chiều dài 3,2 km từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 (TP. Thủ Đức), có tổng mức đầu tư 869 tỷ đồng. Đây là đoạn đường thường xuyên xảy ra kẹt xe bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nguyên nhân bị ngưng trệ được cho là vướng thủ tục pháp lý thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.

Được biết, trước đó, Công ty Nam Rạch Chiếc là nhà đầu tư dự án này, đề xuất thực hiện theo hình thức BT, thời gian xây dựng dự kiến 12 tháng và đề xuất TP.HCM thanh toán tiền đầu tư bằng cách giao các khu đất có tổng diện tích hơn 93.000 m2 thuộc khu tái định cư 30 ha Nam Rạch Chiếc (P. An Phú, TP. Thủ Đức). Nếu giá trị xây dựng nhỏ hơn giá trị đất hoán đổi thì công ty sẽ nộp tiền bổ sung, nếu ngược lại thì công ty sẽ nhận thêm đất ở nơi khác để xây dựng thêm.

Hàng loạt công trình cầu và đường khác trên địa bàn TP. Thủ Đức cũng rơi vào tình trạng tương tự: khởi công rồi ngừng lại, chưa biết lúc nào bắt đầu lại. Đơn cử như các dự án cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Đại, đường Lương Định Của,… Dự án cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới cũng bị tạm ngưng thi công từ đầu năm 2022 do chưa có mặt bằng.

Riêng dự án mở rộng đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định), có chiều dài 2,5 km, mở rộng lên 30 m gồm 4 làn xe được khởi công từ năm 2015. Đến nay, dự án vẫn dang dỡ do đã hoàn thành được khoảng 60% rồi tạm ngưng đã gần 7 năm. Chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chính quyền TP. Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ bồi thường bàn giao mặt bằng.

Tại huyện Cần Giờ, dự án đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2 (thuộc địa bàn xã An Nhơn) được khởi công xây dựng vào tháng 3/2018, thi công được khoảng 60% khối lượng thì dừng lại từ cuối năm 2019, đến nay đã hơn 2 năm. Các hộ dân trong phạm vi từ đầu tuyến đến trụ T4 đã không đồng ý cho các đơn vị thi công tiếp tục triển khai các hạng mục liên quan… Công trình phải tạm ngừng thi công chờ Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định. Dự án có tổng mức đầu tư 342.894 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố; trong đó chi phí xây dựng 247 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật khác...

Dự án cầu Vàm Sát 2 nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giao thông đường bộ qua cầu Vàm Sát hiện hữu hiện đã quá tải, xuống cấp, bảo đảm an toàn giao thông khu vực, đặc biệt phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt. Đồng thời dự án tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết vùng lân cận các tỉnh Long An và Tiền Giang, thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác hết tiềm năng du lịch của xã Lý Nhơn nói riêng, huyện Cần Giờ nói chung.

Một dự án được đặc biệt quan tâm khác, đó là dự án cầu Long Kiểng (nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) được Uỷ ban nhân dân TP.HCM phê duyệt từ năm 2001, có chiều dài 318 m với tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng. Năm 2007, dự án mới giải phóng mặt bằng được một số hộ dân trong giai đoạn 1. Đến nay hơn 20 năm sau ngày phê duyệt dự án và hơn hai năm sau thời điểm khởi công cầu Long Kiểng, chủ đầu tư vẫn chưa thể tiếp tục triển khai do vướng mặt bằng. Chính quyền huyện Nhà Bè cho biết vẫn đang nỗ lực vận động người dân đồng thời kiến nghị Thành phố tháo gỡ vướng mắc còn lại, để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

NHIỀU DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM “CHẠY NƯỚC RÚT” HOÀN THÀNH

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhìn nhận, các công trình làm dở dang không thể đưa vào khai thác dẫn đến việc người dân đi lại khó khăn, giao thông không an toàn, làm mất mỹ quan đô thị.

Theo ông Bằng, công tác giải phóng mặt bằng càng để lâu, dự án càng đội vốn do giá bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng tăng. Với các nhà thầu, thiệt hại cũng không kém do giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, nhân lực bị xáo trộn, nhiều chi phí phát sinh…

Bên cạnh hàng loạt dự án bị ngưng trệ do không có mặt bằng, một số dự án trọng điểm khác của Thành phố đang chạy nước rút để kịp hoàn thành theo kế hoạch dự kiến. Đó là các dự án: Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, đến nay đã hoàn thành được 90% khối lượng và dự kiến sẽ chạy thử toàn tuyến vào cuối năm, khai thác thương mại vào đầu năm 2023. Dự án cũng dự kiến sẽ hoàn thổ, trả lại mặt bằng đường Lê Lợi – chợ Bến Thành vào trước 30/4/2022.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, có tổng mức đầu tư hơn 830 tỷ đồng, đang được khẩn trương thi công và dự kiến thông xe vào cuối năm 2022.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 hiện đang chạy nước rút để kịp hoàn thành và đưa vào khai thác trước dịp 30/4/2022. Hiện phần cầu chính đã xong các kết cấu bê tông, căng cáp, thảm nhựa mặt cầu. Các nhà thầu đang khẩn trương thi công hoàn thiện phần đường từ hướng bến Bạch Đằng theo nhánh N1 lên cầu, và từ nhánh N2 xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh, phía quận 1.