09:08 10/03/2023

TP.HCM mong “siêu cảng” Cần Giờ sớm thành hiện thực

Xuân Thái

Dự án “siêu cảng” trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) từ dự án quy hoạch tiềm năng thành hiện thực, là nhu cầu cần thiết và cấp bách của không chỉ TP.HCM mà của cả khu vực, cả nước với mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam...

Cù lao Phú Lợi rộng 75 ha, vị trí sẽ được chọn trong quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Cù lao Phú Lợi rộng 75 ha, vị trí sẽ được chọn trong quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, tại cuộc họp với lãnh đạo Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tập trung hoàn thiện đề án và quy hoạch vùng phù hợp với quy hoạch tổng thể để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Sang, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cơ sở pháp lý đã có, có thể điều chỉnh bổ sung việc quy hoạch cảng Cần Giờ. Để thực hiện dự án này, Bộ Giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có hướng dẫn các bước triển khai tiếp theo.

Khi đã thống nhất các nhất kế hoạch, cần gửi văn bản đề xuất để Bộ Giao thông vận tải thống nhất và trình Chính phủ.

Đây là dự án rất lớn (theo ước tính, chi phí đầu tư cho dự án giai đoạn hoàn thiện khoảng 6 tỷ USD) nên lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng không chỉ Bộ Giao thông vận tải mà cả TP.HCM sẽ cùng gánh vác, thực hiện.

Về phía TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, cho biết thống nhất cao với những đánh giá và định hướng của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đồng thời sẽ giao các đơn vị liên quan thực hiện, phối hợp với Cảng Sài Gòn đẩy nhanh xây dựng đề án và các nội dung theo yêu cầu.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng việc điều chỉnh thời kỳ quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện ở giai đoạn 2021 - 2030 là rất cần thiết do đến năm 2030, các khu cảng hiện hữu (khu bến Cát Lái, Phú Hữu, khu bến Hiệp Phước, khu bến sông Sài Gòn…) không còn đáp ứng được nhu cầu cầu hàng hóa thông qua cảng.

Cụ thể, theo tính toán đến năm 2030, sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các khu bến này vào khoảng 170 triệu tấn. Nếu tính tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,8% (theo Quyết định 1579/QĐ-TTg) thì đến năm 2030 nhu cầu hàng hóa thông qua các cảng tại TP.HCM đạt xấp xỉ 230 triệu tấn/năm; Trong khi đó, khả năng đáp ứng của các cảng biển hiện hữu, như đã nói chỉ đạt 170 triệu tấn, hụt gần 60 triệu tấn.

Trước những yêu cầu cấp thiết đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển cång biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 1579/QĐ-TTg.

Cụ thể điều chỉnh theo hướng: Điều chỉnh thời kỳ quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện ở giai đoạn 2021 - 2030; bổ sung công năng là cảng trung chuyển quốc tế tại khu bến cảng Cần Giờ; điều chỉnh cảng biển TP.HCM từ cảng biển loại 1 thành cảng biển đặc biệt…

Sự tham gia của một vài hãng tàu hàng đầu thế giớ vào dự án là điều kiện đủ để dự án có thể sớm trở thành hiện thực.
Sự tham gia của một vài hãng tàu hàng đầu thế giớ vào dự án là điều kiện đủ để dự án có thể sớm trở thành hiện thực.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết đã giao Cục Hàng hải Việt Nam khởi động ngay tiến trình theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg (phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), phối hợp với Vụ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất lộ trình triển khai.

Đầu tháng 7/2022, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong báo cáo, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết trước đó lãnh đạo Thành phố đã cùng Bộ Giao thông vận tải nghe Tập đoàn MSC/TIL - hãng tàu container lớn thứ hai thế giới, báo cáo về đề xuất dự án đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Theo lãnh đạo TP.HCM, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của TP.HCM và cả nước.

Cảng Cần Giờ có công suất gấp gần ba lần cảng Cát Lái (khoảng 16,9 triệu TEUs), được đề xuất xây tại huyện biển Cần Giờ nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế biển TP.HCM.

Theo quy hoạch, dự án cảng quốc tế Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2 km với quy mô 6,8 km bến tàu mẹ, 1,9 km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571 ha; trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37 ha, diện tích mặt nước 477,63 ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs). Khoảng cách tuyến bến – biên luồng từ 340 m – 393 m.