19:53 01/01/2022

TP.HCM: Những dự án trọng điểm nào sẽ khởi công trong năm 2022?

Xuân Thái

TP.HCM cần 5.000 tỷ đồng để triển khai 10 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2022; trong đó có nhiều dự án gỡ ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất...

Dự án cầu Bưng, nhánh 1 đã thông xe ngày 5/12/2021 là một trong các dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM hoàn thành trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành phức tạp.
Dự án cầu Bưng, nhánh 1 đã thông xe ngày 5/12/2021 là một trong các dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM hoàn thành trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành phức tạp.

Thông tin trên được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết; đồng thời TCIP đã kiến nghị với Uỷ ban nhân dân TP.HCM ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, chú trọng các tuyến vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 và cao tốc kết nối liên vùng.

CẦN 5.000 TỶ ĐỒNG ĐỂ TRIỂN KHAI 10 DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022 do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) tổ chức, ông Lương Minh Phúc cho biết, dự kiến kế hoạch vốn cần sử dụng hơn 5.000 tỷ đồng, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn được giao năm 2022.

Trong các dự án, nhóm dự án tháo gỡ ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư lớn nhất. Đó là dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (Q.Tân Bình), đầu tư 4.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý II/2022. Công trình được Thành phố phê duyệt đầu tư hồi đầu tháng 12/2021, để kết nối đồng bộ ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khi đưa vào khai thác. Tuyến đường nối dài 4 km, làm tuyến chính rộng 25 - 48 m cho 6 làn xe, vận tốc 50 km/h. Dự án cũng làm hai đoạn đường nhánh kết nối qua tuyến chính; xây một cầu cạn và hai hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

Dự án nút giao An Phú (TP .Thủ Đức): Đây là nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của. Dự án xây dựng nút giao này được Thành phố thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 4/2021, có tổng vốn 3.926 tỷ đồng. Công trình quy mô 3 tầng gồm: hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua tuyến Mai Chí Thọ (phía hầm đường bộ sông Sài Gòn), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

Dự án mở rộng quốc lộ 50 đoạn đi qua huyện Bình Chánh,  có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm hơn 687 tỷ đồng từ Trung ương, còn lại từ ngân sách của Thành phố. Công trình triển khai trên đoạn dài gần 7 km, mở rộng lên 34 m, trong đó chia làm hai đoạn: đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu.

Ngoài ra, trong nhóm dự án khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khởi công hai dự án khác, gồm dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và dự án cải tạo đường Cộng Hòa. Theo ông Phúc, các công trình này khi hoàn thành giúp kết nối đồng bộ nhà ga T3 sẽ góp phần giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hạ tầng ở quận Tân Bình,...

Năm dự án giao thông khác sẽ được TCIP khởi công trong năm 2022, gồm: DỰ án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân); dự án mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười; dự án đường Thị Trấn - Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn); dự án xây cầu Rạch Kinh (huyện Củ Chi); dự án kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố (Thủ Đức).

Theo ông Lương Minh Phúc, trong năm 2022, TCIP sẽ tập trung triển khai 22 nhóm giải pháp, chương trình hành động. Trong đó, sẽ trình Thành phố phê duyệt 38 dự án, khởi công 16 gói thầu, hoàn thành 26 dự án/gói thầu… Người đứng đầu TCIP cũng cho hay, sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải Thành phố báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố để sớm có chủ trương cho phép lập đầu tư công và kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP đối với 42 dự án.

NĂM 2021 TỶ LỆ GIẢI NGÂN 95,2%

Trong thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hoành hành và Thành phố thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài nhưng TCIP đã khởi công mới 7 dự án, đưa vào khai thác 19 gói thầu sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách. Đó là các dự án, gói thầu: cầu Phước Lộc, nhánh số 1 cầu Bưng,…

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP.HCM nhấn mạnh: Trải qua một năm đại dịch, Thành phố vẫn quản lý dự án lớn, đạt tỷ lệ giải ngân 95,2%. Mục tiêu của năm 2022 là thích ứng, an toàn, kiểm soát linh hoạt dịch Covid-19, xây dựng chính quyền đô thị kết hợp cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là cốt lõi để dự án hạ tầng đạt tiến độ, chất lượng.

“Giao thông là huyết mạch, phải làm sao không để đứt gãy. Người dân đang rất trông chờ các dự án giao thông, nhiều dự án như vành đai, cao tốc có số vốn lớn, không để chậm được, phải gấp rút phối hợp”, ông Bình nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2021,ông Lương Minh Phúc cho hay, kết quả giải ngân trong năm 2021 của TCIP là 2.050 tỷ đồng, ước đạt 95,2% tổng kế hoạch vốn giao năm 2021. Theo ông, tuy có một số chuyển biến tích cực hơn so với năm 2020, nhưng do nguồn vốn trung hạn năm 2021 – 2025 rất hạn chế nên đã có 30 dự án phải dừng, giãn tiến độ, không được bố trí vốn…. Bên cạnh đó, có 10 dự án các địa phương không thể bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cam kết, không được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư.

Vị lãnh đạo chính quyền Thành phố cũng cho biết, Thành phố đã đặt ra mục tiêu cốt lõi để các dự án hạ tầng giao thông đạt tiến độ, chất lượng trong năm 2022. Và đó cũng là yêu cầu mà Ủy ban nhân dân Thành phố giao cho TCIP nghiêm túc thực hiện.