14:08 03/07/2021

TP.HCM phấn đấu giảm dịch cuối tháng 7, khống chế trong tháng 8

Minh Tâm

Nhận định số ca bệnh Covid-19 có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới, nhưng TP.HCM quyết tâm giảm dịch bệnh vào cuối tháng 7, khống chế trong tháng 8/2021…

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trao đổi tại cuộc họp về tình hình Covid-19 trên địa bàn TP.HCM ngày 2/7.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trao đổi tại cuộc họp về tình hình Covid-19 trên địa bàn TP.HCM ngày 2/7.

Từ ngày 19/6 đến 30/6 (thời điểm áp dụng chỉ thị 10), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng tại TP.HCM bình quân 65 ca/ngày, số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày.

Các biện pháp đang triển khai của thành phố từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng, đồng thời phản ánh được sự phức tạp của diễn biến dịch bệnh.

TỔ CHỨC MỌI PHƯƠNG ÁN ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH

Kết luận tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 2/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh: Đợt dịch lần thứ 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước.

Nhận định tỷ lệ lây nhiễm thứ phát và tốc độ lây lan của biến thể virus Delta mạnh mẽ và số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện, thành phố Thủ Đức phân các nhóm nguy cơ thành: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ đến từng phường xã, khu phố để tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Song song đó, phải thực hiện giãn cách triệt để trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có F0.

Trong mỗi khu cách ly phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, có camera giám sát... Khuyến khích sử dụng các nhà khách, khách sạn, nhà tái định cư chưa sử dụng trên địa bàn làm địa điểm cách ly. Đồng thời nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly tại nhà, nơi cư trú.

Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế thẩm định 22 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất vừa cách ly, hoàn thành trước ngày 5/7. Vận động doanh nghiệp thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly.

Cũng theo ông Phong, thành phố đã có phương án mở rộng và xây dựng thêm các khu cách ly trên địa bàn. Hiện nay, số lượng bệnh nhân Covid-19 điều trị tăng rất nhanh, thành phố đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị. Thành phố đã và đang nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp để triển khai phương án này và có thể mở rộng thêm về quy mô giường bệnh.

QUYẾT TÂM GIẢM SÂU DỊCH CUỐI THÁNG 7, KHỐNG CHẾ DỊCH TRONG THÁNG 8

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã mạch lạc, đồng bộ, hiệu quả hơn. Đồng thời, nhiều quận, huyện đã có sự chủ động, nỗ lực hơn trong công tác triển khai xét nghiệm, phong tỏa, truy vết, cách ly.

 
"Cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân TP.HCM".
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình

Đồng thời, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị các quận huyện rà soát các khu vực cần áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng để khẩn trương xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố.

Mặt khác, ông Mãi yêu cầu tổ chức xét nghiệm tầm soát diện rộng phải phân chia thời gian cụ thể để việc xét nghiệm đầy đủ, an toàn, tránh chạy đua với số lượng, thành tích.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, ông Mãi đề nghị rà soát lại công tác chuẩn bị, không chỉ xét nghiệm tầm soát mà còn khử khuẩn, giãn cách… Đặc biệt là chủ động và tăng cường công tác truyền thông về đảm bảo điều kiện an toàn cho kỳ thi để phụ huynh và học sinh nắm bắt thông tin và yên tâm hơn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân TP.HCM.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm để đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và sang tháng 8, có thể khống chế dịch bệnh.

 
"Thành phố cần thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm để đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và sang tháng 8, có thể khống chế dịch bệnh".
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố rà soát lại các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của tất cả các lĩnh vực, khu vực, địa điểm để cập nhập và triển khai hiệu quả trong tình hình mới; căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn để điều chỉnh phương án giãn cách xã hội phù hợp; có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tổ chức điều chỉnh, phân phối hàng hóa bảo đảm chuỗi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Làm tốt công tác thông tin truyền thông để đưa thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ; tập trung đưa tin về các tấm gương tuyến đầu chống dịch, các nghĩa cử hành động cao đẹp chung tay cùng thành phố chống dịch, tạo sự lan tỏa, đồng hành và chia sẻ, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

 
TP.HCM đã hoàn tất đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 4.
TP.HCM đã hoàn tất đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 4.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 4 (từ 21/6 đến 29/6), có tổng số 938.462 người đến tiêm theo danh sách phân bổ, có 828.997 người được tiêm, đạt tỷ lệ 102,9% so với chỉ tiêu được giao (806.000 liều).
Các nhóm đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 lần này gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch; lực lượng quân đội, công an, hải quan; người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, cảng, vận tài, cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, vệ sinh môi trường, bưu chính viễn thông, xăng dầu, hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho các cơ sở y tế...