14:51 18/10/2023

TP.HCM phục dựng mái ngói, trùng tu chợ Bến Thành sau hơn một thế kỷ hoạt động

Thiên Ân

Sau 110 năm hoạt động kể từ năm 1914, chợ Bến Thành đã xuống cấp nhiều hạng mục. TP.HCM đang triển khai kế hoạch chỉnh trang, trùng tu trong đó nổi bật là hạng mục thay mới mái tôn giả ngói…

Chợ Bến Thành với phía trước là công viên tượng đài Trần Nguyên Hãn - Quách Thị Trang khi chưa bị tháo dỡ di dời.
Chợ Bến Thành với phía trước là công viên tượng đài Trần Nguyên Hãn - Quách Thị Trang khi chưa bị tháo dỡ di dời.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là 157 tỷ đồng. Bao gồm: Lát nền bằng đá granite, bố trí cây xanh, thảm cỏ, hệ thống tưới, hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật, lắp tiện ích công cộng khu vực này như một công viên hiện đại bao gồm ghế ngồi, biển chỉ dẫn, máy nước uống, internet miễn phí, camera an ninh, nhà vệ sinh…

Tổng diện tích chợ Bến Thành là 13.056 m2 với 1.442 gian hàng, họat động cả ngày lẫn đêm, đặc biệt là khu chợ đêm Bến Thành phục vụ du khách quốc tế; nhưng kể từ trong và sau đại dịch Covid-19 đến nay chợ đêm chưa hoạt động lại.

Chợ Bến Thành đã qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, lần gần nhất cách đây 38 năm (năm 1985). Trong một lần cải tạo, sửa chữa, mái chợ bằng ngói đỏ đã được thay mới bằng tôn giả ngói. Trong kế hoạch chỉnh trang, trùng tu lần này, mái tôn giả ngói sẽ được thay trở lại bằng ngói đỏ nhằm phục dựng di tích, phục vụ công tác bảo tồn và nhu cầu tham quan, du lịch.

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1, thông tin cho biết đã có chỉ đạo các phòng liên quan rà soát các hạng mục cần thiết và dự kiến có những hạng mục lớn phải thực hiện. Đó là các hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, thay mới hệ thống phòng cháy, chữa cháy, lát lại nền chợ với diện tích khoảng 10.000 m2. Dự kiến tổng kinh phí các hạng mục này gần 45 tỷ đồng; riêng hạng mục quan trọng nhất là phục dựng mái ngói, kinh phí dự tính khoảng 95 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

Trong khi đó, theo ông Ngô Văn Hà, Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành, việc sửa chữa hiện mới có định hướng và kế hoạch cơ bản. Quận 1 cùng các phòng ban và chợ sẽ cùng họp bàn thêm để có phương án cụ thể về thời gian, cách làm để tính toán nguồn vốn. Nếu ngân sách không đủ, có thể lấy nguồn thu từ chợ (nguồn đầu tư phát triển sự nghiệp trích quỹ hàng năm…), vận động đóng góp từ bà con tiểu thương, đầu tư xã hội hóa…

Ủy ban nhân dân Quận 1 cũng cho biết, ngoài công trình sửa chữa, trùng tu chợ Bến Thành, cảnh quan trước chợ Bến Thành cũng sẽ được cải tạo với tổng diện tích khu vực dự án có quy mô hơn 45.000 m2, gồm diện tích nền quảng trường và các đường giao thông, vỉa hè, công trình gắn với quảng trường… Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã giao Ủy ban nhân dân Quận 1 làm chủ đầu tư; trong đó bao gồm phục dựng và tái bố trí tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng đài Quách Thị Trang tại khu vực trước chợ như trước đây.

Trước đó, tháng 02/2022, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thường trực Ủy ban nhân dân TP.HCM cơ bản thống nhất với đề xuất của Công ty TA Landscape về ý tưởng cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành. Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế để thiết kế triển khai ý tưởng chi tiết.

Toàn cảnh vòng xoay trước chợ Bến Thành (công viên tượng đài Trần Nguyên Hãn) nhìn từ cửa chính (cửa Nam) lúc chưa bị tháo dỡ.
Toàn cảnh vòng xoay trước chợ Bến Thành (công viên tượng đài Trần Nguyên Hãn) nhìn từ cửa chính (cửa Nam) lúc chưa bị tháo dỡ.

Chợ Bến Thành mới (chợ hiện nay) được khởi công xây dựng từ năm 1912, sau khi ngôi chợ Bến Thành cũ tọa lạc phía bờ nam kênh Charner (sau, người Pháp cho lấp kênh này làm đường và đặt tên là đại lộ Charner, sau đó đổi tên là đại lộ/đường Nguyễn Huệ cho đến nay) bị hư hại và nguy cơ sụp đổ. Sau hai năm xây dựng, Chợ Bến Thành mới đi vào hoạt đông. Chợ có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc, tại tháp cửa Nam có đặt đồng hồ lớn báo giờ. Hiện nay, vào các khung giờ 6h sáng, 12h trưa và 6h chiều, đồng hồ có báo chuông.

Khu vực trước chợ Bến Thành được xây dựng vào thời Pháp thuộc, có tên gọi là quảng trường Eugène Cuniac (tên người Pháp đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn). Đến năm 1955 được đổi tên thành quảng trường Diên Hồng. Năm 1964, chính quyền bấy giờ cho đặt tượng bán thân nữ sinh Quách Thị Trang, một liệt nữ hy sinh khi tham gia phong trào học sinh sinh viên. Một năm sau, đã cho xây dựng tiếp tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa trên một bệ cao, rất uy nghi.

Vào tháng 11/2014, tượng đài Trần Nguyên Hãn được di dời về công viên Phú Lâm, quận 6, để phục vụ thi công xây dựng nhà ga Bến Thành của thuộc dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tượng bán thân Quách Thị Trang cũng được di dời về công viên Bách Tùng Diệp trên đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1. Sau khi khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành và các gói thầu đi ngầm trong khu vục của tuyến metro số 1 đã hoàn thành, công tác hoàn thổ đã hoàn tất, chủ đầu tư metro đã bàn giao lại mặt bằng phí trước chợ Bến Thành và đường Lê Lợi cho Ủy ban nhân dân quận 1 quản lý.