19:09 14/01/2025

TP.HCM tăng cường nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025

Minh Huy

Ngành Công thương và các doanh nghiệp TP.HCM đã sẵn sàng đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng dành cho hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu…

Sức mua của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh minh họa.
Sức mua của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh minh họa.

Ngày 13/1, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công thương TP.HCM và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết Sở Công thương cùng Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở An toàn Thực phẩm và các đơn vị liên quan phối hợp các tỉnh, thành tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất, cung ứng, nắm chắc tình hình sản xuất tại vùng nguyên liệu.

Đồng thời, xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ, chuẩn bị hàng hóa Tết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.

Về công tác chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.

Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả...

“Các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ”, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định.

Về hoạt động phân phối hàng hóa, Sở Công thương phối hợp UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung. Cùng đó, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Phương cho biết để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết.

Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25... hoạt động xuyên suốt Tết.

Về giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường, Sở Công thương cho hay luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thống nhất với chương trình chuẩn bị hàng Tết của TP.HCM và Sở Công Thương; đồng thời cho rằng hiện nay nổi lên vấn đề vận chuyển hàng hóa dịp Tết, vận chuyển ở đây là từ các nơi về thành phố và từ các nơi đến tận nơi khách hàng gặp khó khăn. Do đó, cần lưu ý vấn đề vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết gặp khó khăn và yêu cầu Sở Công Thương báo cáo để Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ nếu cần thiết.

Thứ trưởng cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng mua hàng có nguồn gốc rõ ràng và tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.