16:58 10/04/2025

TP.HCM trình chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 hơn 122.000 tỷ đồng

Thanh Thủy

TP.HCM dự kiến triển khai dự án đường Vành đai 4 với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 122.000 tỷ đồng. Dự án đang được hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét vào tháng 5 năm 2025…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký ban hành Tờ trình số 2332/TTr-UBND trình Hội đồng nhân dân TP.HCM về việc triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.

Theo đó, để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban nhân dân TP.HCM trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM. Thống nhất chủ trương bố trí nguồn vốn thực hiện dự án phù hợp với tiến độ Chính phủ trình Quốc hội.

Dự án Vành đai 4 có điểm đầu tuyến tại lý trình khoảng Km40+00 (lý trình đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

TP.HCM quy hoạch 3 tuyến vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km - Ảnh tư liệu.
TP.HCM quy hoạch 3 tuyến vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km - Ảnh tư liệu.

Tuyến đường dài khoảng 159,31 km, đi qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23 km); Đồng Nai (46,08 km); Bình Dương (47,95 km); TP.HCM (16,7 km); Long An (78,3 km). Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 47,95km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương thông qua.

Khái toán tổng mức đầu tư dự kiến trong giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của Dự án khoảng hơn 122.774 tỷ đồng (không bao gồm đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương).

Cụ thể, chi phí xây lắp và thiết bị 57.000 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác khoảng 7.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 12.000 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 40.000 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 31.033 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương hơn 38.000 tỷ đồng và nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) 53.000 tỷ đồng.

Vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn; làm 4 làn cao tốc, có làn khẩn cấp, đường gom, đường song hành qua khu dân cư.

Theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, đường Vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, hiện đang được Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp vào tháng 5/2025.

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường Vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; đường Vành đai 3, Vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng vừa có Tờ trình gửi Hội đồng nhân dân Thành phố đề xuất thu hồi hơn 230 ha đất để đầu tư xây dựng 10 dự án đường giao thông và trường học.

Trong số 10 dự án có 6 dự án đăng ký mới cần thu hồi với tổng diện tích đất là hơn 223 ha. Cụ thể, dự án có diện tích thu hồi đất nhiều nhất là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) trên địa bàn huyện Củ Chi với diện tích cần thu hồi là 220 ha.

Tiếp đến là Dự án mở rộng, nâng cấp đường HL80B (đoạn từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Lê Văn Khương) huyện Hóc Môn với diện tích 4,54 ha; Dự án xây dựng Trường THCS Thới Tam Thôn 1, huyện Hóc Môn với diện tích 1,36 ha. Các dự án còn lại có diện tích cần thu hồi dưới 1 ha, chủ yếu là các dự án xây dựng trường học và mở rộng đường hẻm.