TP. Hồ Chí Minh rực rỡ, tự hào và xúc động trong ngày hội thống nhất đất nước
Tối 30/4 màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP. Hồ Chí Minh chào mừng ỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ lễ diễu binh, diễu hành đến màn pháo hoa hoành tráng, không khí hào hùng và tinh thần dân tộc lan tỏa khắp Thành phố...

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tối 30/4, TP. Hồ Chí Minh tổ chức loạt chương trình văn hóa, nghệ thuật thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước.
Từ chiều tới tối 30/4, người dân liên tục đổ ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) xem khối Cảnh sát cơ động Kỵ binh diễu hành trên phố đi bộ Nguyễn Huệ đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đài phun nước Hoa Sen; xem đội quân nhạc, nhạc kèn biểu diễn phía trước trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố.

Cùng lúc đó là chương trình trình diễn nghệ thuật cộng đồng “Vũ điệu khăn rằn” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên và người dân; biểu diễn nghệ thuật 3D mapping mặt tiền trụ sở Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố.
RỰC RỠ SẮC MÀU THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC
Tối 30/4, pháo hoa rực sáng trên bầu trời TP. Hồ Chí Minh trước sự reo hò và cổ vũ của người dân và du khách, mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kéo dài từ 21h đến 21h15, chương trình bắn pháo hoa được TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện tại 30 điểm. Trong đó có 2 điểm tầm cao tại Khu vực đường hầm sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức) và Đền Bến Dược (huyện Củ Chi).
Các điểm bắn pháo hoa tầm thấp, gồm: Ngã Ba Giồng (Hóc Môn), Đền tưởng niệm Bến Nọc (thành phố Thủ Đức), Đền tưởng niệm Liệt sĩ Rừng Sác (Cần Giờ), Chiến khu An Phú Đông (Quận 12), Công viên Văn hóa Láng Le (huyện Bình Chánh), Khu dân cư Bình Trị Đông (Bình Tân), Hội trường Thống Nhất (Quận 1), Khu vực Bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh), Khu vực Thảo Điền (TP. Thủ Đức), Công viên Landmark 81 (Bình Thạnh), cầu Ba Son (Quận 1), cầu Tân Thuận (Quận 4), Khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi), Công viên văn hóa quận Gò Vấp, Khu vực UBND huyện Nhà Bè, Trung tâm hành chính Quận 7, Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11), Khu vực chợ Bình Điền (Quận 8), Khu tái định cư 38 ha Tân Thới Nhất (Quận 12), Khu An Bình (Tân Phú), Công viên Bình Phú (Quận 6).
Cùng với đó là một số điểm bắn trên xà lan tại khu vực Rạch Chiếc; khu vực sông Sài Gòn; khu vực Khu đô thị Vạn Phúc, cầu tàu Bến Bạch Đằng.

Chú Nguyễn Văn Thi (57 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) không giấu được xúc động: “Tôi đã sống ở đây hơn nửa đời người, từng xem pháo hoa nhiều lần vào dịp lễ Tết, nhưng chưa bao giờ thấy khung cảnh đặc biệt như tối hôm qua. Pháo hoa được bắn ở rất nhiều điểm cùng lúc, nhìn pháo hoa nở bung trên nền trời, tôi chợt nhớ về những ngày đất nước còn khó khăn, càng thêm trân quý hiện tại”.
TỰ HÀO, XÚC ĐỘNG VÀ NGHĨA TÌNH
Theo ghi nhận, đã hơn một ngày trôi qua kể từ khi lễ diễu binh, diễu hành kết thúc, nhưng không khí hào hùng và niềm tự hào vẫn còn đọng lại sâu sắc trong lòng người dân, đặc biệt là giới trẻ. Trên mạng xã hội, hàng loạt hình ảnh, video ghi lại khoảnh khắc trang nghiêm, cảm động của buổi lễ vẫn tiếp tục được chia sẻ rộng rãi.
Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc các bạn trẻ đứng dọc hai bên đường vẫy cờ, cổ vũ các lực lượng diễu hành; hay khoảnh khắc họ chủ động nhường chỗ đẹp cho các cụ già, cựu chiến binh – những nhân chứng sống của lịch sử càng làm lan tỏa tinh thần biết ơn và lòng yêu nước trong cộng đồng.

Dù lễ diễu binh đã khép lại, nhưng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tự hào dân tộc vẫn tiếp tục lan tỏa. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng chứng kiến hình ảnh các chiến sĩ đi đều bước dưới lá cờ Tổ quốc khiến họ thêm thấu hiểu giá trị của hòa bình và khát vọng cống hiến cho đất nước.
Nhiều dòng cảm xúc được đăng tải kèm hình ảnh như: “Hòa bình đẹp lắm!”, “Giá trị của hòa bình!”, “Tự hào là người Việt Nam”,… Cùng với những khúc hát huy hoàng “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”; “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”…
Trực tiếp xem diễu binh tại tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, bạn Duyên Anh (25 tuổi) xúc động chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình được tận mắt chứng kiến một lễ diễu binh, diễu hành hoành tráng và trang nghiêm đến vậy. Dù đã thức trăng đêm nhưng khi các đoàn quân bước qua, tiếng trống vang lên dồn dập, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm mình thực sự rùng mình vì xúc động và không thể rời mắt. Mình càng cảm phục những người lính, thế hệ đi trước đã cống hiến cho độc lập, hòa bình hôm nay".


Trong khi đó, bạn Vân Thùy (26 tuổi), cho biết lần đầu được tận mắt xem diễu binh, phải nói là vừa choáng ngợp vừa xúc động. Mỗi khối đi qua đều chỉnh tề, đồng đều, khí thế nghiêm trang.
"Nhạc nổi lên, cờ bay, mọi người xung quanh im lặng dõi theo mà mình cũng nổi hết da gà. Nhìn thấy quân đội, công an, dân quân… ai cũng đầy tự tin, mạnh mẽ, tự nhiên thấy lòng dâng lên một cảm giác rất lạ, tự hào đến nghẹn ngào", Thùy chia sẻ.
Khoảnh khắc làm Vân Thùy nhớ nhất chính là sáng 30/4, khi Quốc Ca nổi lên, tất cả người dân đều tự giác đứng lên chào cờ, hình ảnh đó như thể hiện lên ở trong mỗi con người Việt Nam đều mang một lòng yêu nước sâu sắc.
Nghĩ tới hành trình lịch sử mấy chục năm qua, từ chiến tranh, gian khổ, giờ được sống trong hoà bình, nhìn đất nước lớn mạnh từng ngày, lòng Vân Thùy vừa cảm thấy biết ơn vừa trân trọng.
Sau khi các hoạt động diễu binh, diễu hành và bắn pháo hoa chào mừng kết thúc, hình ảnh người dân cùng cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội chung tay thu gom rác, dọn vệ sinh tại các tuyến đường trung tâm TP. Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhiều người.
Đây không chỉ là hành động giữ gìn vệ sinh sau sự kiện, mà còn là biểu hiện sinh động của ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc – những giá trị được lan tỏa mạnh mẽ từ một ngày hội non sông đáng nhớ.