Trên đất nước Việt Nam ta, tới đâu ta cũng có thể bắt gặp vẻ đẹp cao sang mà thuần khiết dịu dàng ngát hương của hoa sen . Có lẽ vì sen là loại hoa dễ trồng lại xuất hiện lâu đời ở nhiều vùng miền của đất nước, chúng mang cốt cách, tinh thần dân tộc. Vì thế, sen được chọn làm “quốc hoa” của người Việt. Nhưng có một vùng đất, một địa danh đặc biệt từ lâu đã nuôi dưỡng trong mình một loài sen vô cùng độc đáo, không đâu có loại sen giống vậy, đó là Sen Tây Hồ - Hà Nội.Sen Tây Hồ độc đáo vì nó có đến cả trăm cánh, thường được gọi là sen Bách Diệp. Là giống sen có kích cỡ lớn, cấu tử hương thơm không giống bất kỳ nơi nào. Có lẽ do thổ nhưỡng, khí hậu, cũng có thể do là nguồn nước đặc biệt của hồ Tây đã tạo nên một giống sen quý. Người Hà Nội từ xa xưa đã biết đưa nét độc đáo có một không hai của sen Tây Hồ vào nghệ thuật uống trà, bằng cách ướp trà sen. Được mệnh danh là “ Thiên cổ đệ nhất trà” là loại trà tinh tế nhất của Việt Nam, các nước khác trên thế giới không có được. Chẳng thế mà từ Nhật Bản - đất nước với bề dày văn hóa hàng ngàn năm, cùng hàng trăm nghi thức, phong tục trong cách thức thưởng trà, nghệ thuật trà đạo tôn lên hàng thượng thừa ở sự cầu kỳ, tỉ mỉ nhưng họ vẫn phải cất công lặn lội sang Việt Nam để xây dựng một bộ phim truyền hình về trà sen của người Việt. Nói vậy mới biết trà sen Tây Hồ độc đáo đến nhường nào, nó có sức lôi cuốn cả những nền văn hóa lớn trên thế giới.
Người Hà thành sành điệu có thú thưởng ngoạn trà sáng ướp sen tươi ngay bên hồ sen.Từ lúc còn sớm tinh mơ, ngồi trên chiếc thuyền thúng chông chênh, người ta chọn những bông hoa chúm chím nở, thả vào giữa nhụy hoa một nhúm trà ngon , buộc lại rồi dùng lá sen quấn chặt để tránh mưa gió.Bông sen sẽ được để lại trên hồ cho hương thơm từ hoa, từ lá thẩm thấu vào từng búp trà , đến hôm sau mới được ngắt. Quả không còn gì thú vị hơn cảnh buổi sớm mùa hè mát rượi bên bờ hồ ngan ngát hương sen, pha ấm trà vừa lấy ra từ đóa sen tươi mới ngắt và nhâm nhi thưởng thức chén trà ngào ngạt hương thơm.
Mỗi năm sen chỉ có một mùa , muốn giữ lâu được hương sen trong trà, hoặc muốn gửi hương sen cho người thân ở xa, người ta phải làm trà sen bằng cách khác cầu kỳ hơn. Để chế biến loại trà độc đáo này người xưa thường dùng trà Bạng, giống trà shan tuyết cổ thụ ở vùng núi cao, mỗi năm chỉ hái được bốn lần vào bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đây là loại trà đặc sản của vùng cao, vị trà đậm, nước đỏ, búp to, khi thẩm thấu hương sẽ mạnh hơn các giống trà hạt ở trung du. Nhưng qua thời gian, giờ trà Bạng không còn người làm, cùng với việc ngày nay thị hiếu của người tiêu dùng cũng đã thay đổi nhiều nên các nghệ nhân làm trà sen thay thế bằng các loại trà được trồng theo kiểu công nghiệp như trà Thái Nguyên, Phú Thọ, MộcChâu…Tuy vậy vẫn phải chọn những mẻ trà chất lượng nhất để ướp. Trong bốn vụ thu hoạch chè của năm thì chỉ có hai tháng là tháng 3 và tháng 10 là búp chè có chất lượng tuyệt hảo nhất. Là những nghệ nhân tỉ mỉ thì họ thường chỉ chọn loại trà thu hoạch vào thời gian này để ướp trà sen.
Chứng kiến công việc ướp trà sen của các nghệ nhân mới thấu hiểu vì sao loại trà này được xem là tinh hoa của đất Hà thành. Từ tờ mờ sáng người thợ đã phải bắt tay vào việc thu hoạch sen vì nếu thu hoạch muộn vào lúc mặt trời đã ló rạng, hương sen sẽ không còn đượm. Những bông sen hàm tiếu là những bông sen ở độ cho hương thơm ngát nhất. Người ta nhanh chóng tách nhị hoa, hay còn gọi là gạo sen khỏi bông - đây cũng là “túi hương” của bông sen, phần quan trọng nhất để ướp trà. Để có được một lạng gạo sen, người thợ phải cần đến khoảng 100 bông hoa, cứ mỗi 1kg chè lại cần 2 lạng gạo sen cho một lần ướp, mà phải ướp đi ướp lại tới 7 lần mới được một mẻ. Vì thế, để ướp được một cân chè thành phẩm phải cần dùng tới khoảng 1.400- bông sen tươi. Ban đầu, người nghệ nhân sẽ dùng chính những cánh hoa nhỏ để ướp trà trong vòng hai ngày. Tiếp theo, trà sẽ được ướp trong các hủ sành nhỏ, cứ một lớp trà mỏng, rồi lại một lớp gạo sen rải lên trên, sau đó đem ủ trong một căn phòng kín và ấm trong 3 ngày, rồi lại sàng gạo sen cũ đi, sấy khô trà và lại tiếp tục ủ với gạo sen mới. Mỗi lần ướp không quá 3 kg trà.
Chính vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ, lại không thể làm với số lượng nhiều nên dù trong giai đoạn nào của lịch sử trà sen luôn là một thứ trà quý, một sự kết tinh mà đất trời ban tặng. Nhưng cái phần tinh túy nhất trong trà sen lại là nghệ thuật thưởng trà. Từ xa xưa, thưởng thức trà được coi là thú vui tao nhã của các bậc văn nhân, danh sĩ, người xưa tặng nhau 1-2 ấm trà sen gói vào giấy điều đỏ là đã thấy hết tình cảm tri ân trong đó. Trà không chỉ quý bởi quy trình làm rất kỳ công, tinh tế mà nó còn mang giá trị vật chất lớn so với một thú chơi. Bởi vậy, Trà sen thường được dùng làm thứ quà quý để biếu, tặng nhau hoặc cũng chỉ gia đình nào có điều kiện mới dám mua trà sen về thưởng thức. Mỗi cân trà sen có giá từ 6-10 triệu đồng, phàm là những khách tri âm, tri kỷ người ta mới mời nhau thưởng thức loại trà đặc biệt này, vừa thắm đượm tình nghĩa mà lại gói trọn hương vị đất Hà thành.
Trà sen Tây Hồ khi pha ra nước có mầu hơi vàng như mật ong, sánh, thoang thoảng hương sen tinh kiết như hoa vẫn đang nở trên hồ trong mùa sen rộ. Nhấp một ngụm trà, cảm thấy rõ sự sảng khoái lan tỏa, như ngồi trước một đầm sen mênh mang gió. Trà sen Tây Hồ pha đến khi nước đã trắng, thì hương sen vẫn cứ vương vấn không rời.
Trần Anh