12:38 24/11/2009

Trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Trái phiếu doanh nghiệp đang có một màn trình diễn ấn tượng nhất từ 2 - 3 năm trở lại đây

Trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore.
Trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore.
Trái phiếu doanh nghiệp đang có một màn trình diễn ấn tượng nhất từ 2 - 3 năm trở lại đây, nhất là khi trái phiếu Vincom được đem bán ra quốc tế đã hết hàng chưa đầy 12 tiếng đồng hồ công bố phát hành.

Trái phiếu doanh nghiệp “hút hàng”

Đầu tuần qua, Công ty Cổ phần Vincom cho biết, vừa phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế và đã niêm yết trái phiếu này tại sàn giao dịch chứng khoán Singapore, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên phát hành và niêm yết trái phiếu ở thị trường vốn quốc tế.

Theo ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vincom, chưa đầy 12 tiếng đồng hồ số lượng đăng ký mua trái phiếu đã gần gấp hai lần số lượng dự tính phát hành với hơn 30 nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Dù Credit Suisse (Singapore), đơn vị tư vấn của Vincom, tư vấn phương án phát hành tăng lên nhưng Vincom vẫn giữ quyết định ban đầu nhằm bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư với mức độ pha loãng cổ phiếu vừa phải trong tương lai.

Trái phiếu chuyển đổi Vincom có kỳ hạn năm năm được phát hành bằng đồng USD, không có tài sản đảm bảo và có lãi suất hàng năm là 6%, thanh toán sáu tháng một lần vào cuối kỳ. Trái phiếu này có thể được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Vincom với mức giá chuyển đổi sẽ được tính toán trên cơ sở giá đóng cửa của cổ phiếu Vincom là 108.000 đồng/cổ phiếu vào ngày phát hành.

Tổng công ty Cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng có ba đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá 1.200 tỉ đồng, có đợt “cháy hàng” chỉ sau ba tiếng đồng hồ sau khi công bố phát hành. Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị KBC, tính toán tất cả chi phí tư vấn phát hành, bảo lãnh, rủi ro… thì cả ba đợt lãi suất đều nằm ở mức 12,5%.

Theo giới đầu tư, mức lãi suất 12,5%/năm của KBC đưa ra là khá “hời”, bởi lãi suất nhà đầu tư “đòi” ở những cuộc đấu thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm đã lên mức 10 - 10,2%/năm từ giữa năm nay.

Từ đầu năm đến nay, thống kê chưa đầy đủ của người viết, có hơn 13 cuộc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị xấp xỉ 20.000 tỉ đồng, trong đó có ba gương mặt doanh nghiệp quốc doanh là công ty tài chính điện lực EVN, Vinacomin và VinaSteel, còn lại là các gương mặt doanh nghiệp ngoài quốc doanh như KBC, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Techcombank, VIB, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch…

Trong khi đó, với kế hoạch phát hành 55.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ trong năm nay, thì tính tới giữa tháng 9, thống kê từ kết quả các cuộc đấu thầu trái phiếu ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, mới huy động chưa tới hơn 2.300 tỉ đồng và 237 triệu USD.

Theo đánh giá của giám đốc phụ trách kinh doanh vốn và ngoại tệ của một ngân hàng, so với năm 2007, mức độ thành công của trái phiếu doanh nghiệp năm nay không bằng, nhưng là vượt bậc so với năm 2008. Năm 2008, trái phiếu doanh nghiệp hầu như chỉ có khoảng hai cuộc phát hành.

Vũ khí bí mật

Dù vậy, thực tế là đa số nhà đầu tư không hào hứng với các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Hai lý do chính họ đưa ra là, mức độ minh bạch doanh nghiệp không cao và rủi ro thanh khoản lớn. Đó cũng là lý do mà đến nay, theo giới tài chính, hầu hết người mua trái phiếu doanh nghiệp là đối tác làm ăn, đòi hỏi mối quan hệ qua lại của đơn vị phát hành.

Điểm nổi bật ở đợt phát hành trên là Vincom không cần phải có tài sản bảo đảm. Bù lại, Vincom đưa ra một món hời khác cho nhà đầu tư, đó là trái phiếu chuyển đổi. Theo ông Lê Khắc Hiệp, trái phiếu chuyển đổi hứa hẹn đem lại cho nhà đầu tư lợi nhuận lớn hơn từ khả năng mua được cổ phiếu với mức giá ưu đãi trong tương lai. Quyền chọn mua cổ phiếu chính là giá trị gia tăng của loại trái phiếu này, khiến nó trở thành mặt hàng rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

“Lợi ích chủ yếu của việc huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi là giảm được lãi suất vay, đây chính là lý do Vincom chọn phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi là vì lãi suất vay sẽ thấp hơn so với trái phiếu thông thường”, ông Hiệp nói.

Một điểm khiến cho trái phiếu KBC bán chạy, theo ông Tâm, là ông đã giải toả được nút thắt thanh khoản cho trái phiếu của mình. Trái phiếu của KBC được Ngân hàng Công thương (Vietinbank) bảo lãnh, nhà đầu tư có thể cầm cố, bán lại cho Vietinbank, thậm chí trong trường hợp KBC mất khả năng thanh toán, thì nhà đầu tư vẫn được Vietinbank cam kết thanh toán sòng phẳng.

Và để giải quyết thanh khoản hơn, Vincom đã đưa trái phiếu niêm yết lên sàn Singapore, cũng như KBC dự kiến cũng sẽ đưa trái phiếu của mình niêm yết sàn Hà Nội trong thời gian tới.

Ngoài ra, việc các tổ chức tài chính có tiếng tăm đứng đằng sau các doanh nghiệp càng làm cho hình ảnh doanh nghiệp được bảo đảm. Như HSBC và Standard Chartered thu xếp phát hành cho Techcombank, ANZ quản lý và dựng sổ cho FPT… Ông Hiệp cũng thừa nhận rằng, việc Vincom lựa chọn Credit Suisse là nhà bảo lãnh là một quyết định đúng và đã đảm bảo cho sự thành công trong việc phát hành trái phiếu chuyển đổi lần này.

Hồng Sương (SGTT)