18:29 10/12/2008

Trái phiếu kho bạc Mỹ: 0 đồng lợi nhuận

Kiều Oanh

Khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận mua trái phiếu kho bạc Mỹ mà không nhận một đồng lợi nhuận nào

Việc các nhà đầu tư chấp nhận mức lãi suất 0% của trái phiếu kho bạc Mỹ là một tín hiệu mừng cho Chính phủ Mỹ, vì họ sẽ vay được tiền với lãi suất thấp hơn - Ảnh: Reuters.
Việc các nhà đầu tư chấp nhận mức lãi suất 0% của trái phiếu kho bạc Mỹ là một tín hiệu mừng cho Chính phủ Mỹ, vì họ sẽ vay được tiền với lãi suất thấp hơn - Ảnh: Reuters.
Khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận mua trái phiếu kho bạc Mỹ mà không nhận một đồng lợi nhuận nào.

Điều này đã xảy ra trong phiên đấu giá lô trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 4 tuần diễn ra hôm 9/12.

Trong cuộc bán đấu giá này, các nhà đầu tư đã chấp nhận mức trái tức 0%, mức lãi suất thấp chưa từng có của loại trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn này. Đồng thời, nhu cầu mua vào của các nhà đầu tư tham dự phiên đấu giá này cũng cao gấp 4 lần so với khối lượng mà Chính phủ Mỹ chào bán. Cần nói thêm, vào ngày 29/1/2007, lãi suất loại trái phiếu kỳ hạn 4 tuần này đạt đỉnh 5,175%.

Trước hết, cần khẳng định, các nhà đầu tư trên thế giới vẫn luôn coi trái phiếu kho bạc Mỹ là loại tài sản siêu an toàn, đáng tin cậy nhất trong số các kênh đầu tư trong các thời kỳ khủng hoảng. Lần khủng hoảng này cũng không phải là ngoại lệ.

Giới đầu tư quốc tế thời gian qua đã đẩy mạnh mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến lợi suất của trái phiếu này liên tục giảm (lợi suất trái phiếu tính bằng tổng trái tức năm chia cho giá trái phiếu).

Theo số liệu của hãng tin tài chính Bloomberg, ngày 15/12 vừa qua, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 2,505%.  Thực tế này cũng đã khiến đồng USD lên giá mạnh thời gian qua so với đồng Euro.

Theo nhận định của giới chuyên môn, việc các nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy sang thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ là một dấu hiệu đáng buồn nữa về sức khỏe kinh tế thế giới. Điều này cho thấy họ đã mất hết niềm tin vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản….

Thứ mà các nhà đầu tư muốn lúc này chỉ là sự an toàn - điều mà trái phiếu kho bạc Mỹ có thừa - chứ không phải là lợi nhuận nữa. Sự thận trọng thái quá này phản ánh những lo ngại cho rằng kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy thoái sâu trong năm tới.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây, lạm phát là mối lo của cả thế giới, thì hiện nay, các quốc gia lại chuyển sang lo lắng về vấn đề giảm phát. Tỷ lệ lạm phát âm tạo môi trường thuận lợi cho trái phiếu, trong đó có trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Mặt khác, giới quan sát cũng cho rằng, chính phủ các nước trên thế giới đang đẩy mạnh mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ cũng là để phòng ngừa sự mất giá của đồng nội tệ. Hai quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất trên thế giới hiện nay là Trung Quốc và Nhật Bản.

Rõ ràng, trong thời kỳ khó khăn hiện nay, những điều lạ thường lại là những gì mà giới đầu tư chấp nhận. Trong bối cảnh nợ Chính phủ và thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng vọt do hàng loạt các kế hoạch giải cứu, các quỹ đầu tư, chính phủ các nước và các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại cảm thấy yên tâm hơn khi bỏ tiền mua nợ của Chính phủ Mỹ, thay vì các kênh đầu tư rủi ro nhưng có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp.

Việc các nhà đầu tư chấp nhận mức lãi suất 0% của trái phiếu kho bạc Mỹ là một tín hiệu mừng cho Chính phủ Mỹ, vì họ sẽ vay được tiền với lãi suất thấp hơn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson mới đây cho biết, nước Mỹ dự kiến sẽ phát hành khoảng 1.500 tỷ USD trái phiếu kho bạc trong năm tài khóa bắt đầu vào ngày 1/10.

Tuy nhiên, trong mắt giới quan sát, điều này sẽ khiến sự phục hồi kinh tế diễn ra chậm chạp hơn. Vì nếu các nhà đầu tư còn ngại bỏ vốn vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn mà các doanh nghiệp cần có để duy trì hoạt động của họ sẽ cạn dần.

Thực tế này cũng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trở nên kém hiệu quả hơn do các nhà đầu tư và các ngân hàng đẩy mạnh găm giữ lượng tiền mà FED bơm vào hệ thống qua việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ, thay vì đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cho vay.

“Lần gần đây nhất mà giới đầu tư chấp nhận mức lợi nhuận 0% hoặc dưới 0%, là vào thời kỳ Đại khủng hoảng của thập niên 1930”, nhà phân tích độc lập người Mỹ Edward Yardeni nói. Chuyên gia này cũng cho rằng, việc các nhà đầu tư chỉ quan tâm tới việc bảo vệ đồng tiền của họ thực sự không phải là một dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.

(Theo New York Times, Bloomberg)