08:00 02/09/2024

Trái phiếu xanh: Thách thức và cơ hội tăng trưởng kinh tế bền vững

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Lưu Lê Hường (*)

Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy Việt Nam tiến tới một nền kinh tế bền vững, hiệu quả và có khả năng thích ứng cao trước các thách thức toàn cầu về môi trường...

Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế sẽ giúp Việt Nam không chỉ tối ưu hóa các nguồn lực trong nước, mà còn tận dụng được các cơ hội từ tài chính xanh và các cam kết quốc tế. Trong đó, trái phiếu xanh là các công cụ nợ phát hành nhằm mục đích huy động vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động khác nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Việc phát triển thị trường trái phiếu xanh không chỉ là một bước đi cần thiết để đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu, mà còn là cơ hội quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh ở Việt Nam.

Việt Nam đã cam kết thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, trong bối cảnh quốc tế đang gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu đã khiến các nhà đầu tư và các chính phủ tập trung nhiều hơn vào các dự án bền vững và thân thiện với môi trường. Nhiều quốc gia đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh, bao gồm cả ưu đãi thuế và các biện pháp khuyến khích khác. Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào các tài sản có tác động tích cực đến môi trường, nhằm đáp ứng các mục tiêu ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU XANH TOÀN CẦU 

Với sự gia tăng của các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris, thị trường trái phiếu xanh dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo và hạ tầng bền vững. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cũng đang bắt đầu tham gia vào thị trường trái phiếu xanh, điều này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho cả nhà phát hành và nhà đầu tư. Hợp tác quốc tế và các quy định mới về tài chính bền vững sẽ tiếp tục định hình và thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.

Theo số liệu mới nhất từ Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI), tính đến cuối quý 3/2023, khối lượng tích lũy của trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết với tính bền vững (GSS+) đã đạt 4,2 nghìn tỷ USD. Phát hành GSS+ đạt tổng cộng 939 tỷ USD năm 2023, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022, mức kỷ lục năm 2021 là 1,1 nghìn tỷ USD. Năm 2023, phát hành trái phiếu xanh từ các công ty và chính phủ đã tăng kỷ lục lên 575 tỷ USD, cao hơn so với năm 2022 và vượt qua con số 573 tỷ USD của năm 2021.

Các cam kết toàn cầu như Hiệp định Paris và các quy định về ESG của Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, việc huy động tài chính xanh ngày càng trở nên cấp thiết để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để tận dụng được các nguồn vốn này, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định mới liên quan đến ESG, phát thải carbon và bảo vệ môi trường.

Việc phân tích các mô hình chỉ ra tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Vì thế, Việt Nam cần đầu tư đáng kể vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040, với tổng giá trị đầu tư cần thiết khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. Trong đó, các dự án ưu tiên liên quan đến thích ứng có thể cần khoảng 254 tỷ USD, nhằm bảo vệ các cộng đồng và cơ sở hạ tầng quan trọng trước các tác động của biến đổi khí hậu.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU XANH Ở VIỆT NAM 

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 có thể lên tới khoảng 872 tỷ USD. Trong đó, muốn giảm tốc độ tăng phát thải và tiến tới phát triển bền vững, Việt Nam sẽ cần ít nhất 81 tỷ USD đầu tư vào công nghệ và giải pháp giảm thiểu phát thải. Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần thực hiện nhiều cải cách chính sách nhằm thu hút đầu tư tư nhân, đồng thời thúc đẩy đầu tư công. Một trong những công cụ chính để thúc đẩy việc giảm phát thải và tài trợ cho các dự án liên quan đến khí hậu là trái phiếu xanh, thuế carbon, hoặc việc hình thành hệ thống mua bán khí thải.

Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, với nhiều nỗ lực từ cả khu vực công và tư nhân. Việt Nam đã và đang xây dựng và hoàn thiện khung chính sách để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu xanh nhằm tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh.

Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng tại Việt Nam phát sinh dư nợ tín dụng xanh, đạt tổng cộng 620.984 tỷ đồng (tăng 24% so với cuối năm 2022), chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội tại 34 tổ chức tín dụng đạt 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn. Danh mục phân loại xanh hiện tại do Ngân hàng Nhà nước ban hành từ năm 2017 chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và thiếu sự đồng nhất với các bộ, ngành khác. Điều này hạn chế khả năng xác định và thống kê nguồn lực tín dụng xanh trong ngành ngân hàng, dẫn đến tỷ trọng tín dụng xanh còn thấp (4,53% dư nợ nền kinh tế).

Để tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cần hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu xanh và phân loại xanh, danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với các phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng xác định các lĩnh vực xanh và đánh giá các dự án xanh; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia cho trái phiếu xanh, từ đó xác định rõ các tiêu chí để các dự án và hoạt động đủ điều kiện nhận tài trợ từ trái phiếu xanh.

Cần đưa ra yêu cầu rõ ràng về thực hiện báo cáo việc sử dụng vốn và kết quả đạt được đối với các trái phiếu xanh. Tổ chức phát hành cần công bố báo cáo minh bạch về việc sử dụng quỹ và ảnh hưởng môi trường của dự án; thiết lập các cơ chế giám sát và kiểm toán độc lập để đảm bảo việc sử dụng quỹ trái phiếu xanh đúng mục đích và đạt được kết quả mong muốn. Đặc biệt, cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ cho các tổ chức phát hành trái phiếu xanh, như giảm thuế, các khoản tài trợ, hoặc các hỗ trợ tài chính khác.

Hệ thống chính sách này phải đảm bảo rằng các quy định và tiêu chuẩn về trái phiếu xanh được phối hợp chặt chẽ với các quy định và chính sách liên quan đến phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng tài chính để hỗ trợ phát hành và quản lý trái phiếu xanh, bao gồm các nền tảng giao dịch và hệ thống báo cáo; cung cấp đào tạo cho các nhà đầu tư, tổ chức phát hành và các bên liên quan về quy trình phát hành trái phiếu xanh và yêu cầu phân loại xanh; thúc đẩy sự hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất trong phát triển thị trường trái phiếu xanh; tham gia vào các sáng kiến quốc tế liên quan đến trái phiếu xanh và phân loại xanh để tận dụng các cơ hội hợp tác và hỗ trợ tài chính.

Việc thiết lập các cơ chế theo dõi và đánh giá định kỳ để đo lường hiệu quả của khung pháp lý và các quy định liên quan đến trái phiếu xanh và phân loại xanh là rất quan trọng. Dựa trên kết quả đánh giá này, chúng ta mới có thể điều chỉnh các quy định và tiêu chuẩn để cải thiện hiệu quả và đáp ứng tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững.

--------------------------------

(*) Hai tác giả là chuyên gia Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2024 phát hành ngày 02/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Trái phiếu xanh: Thách thức và cơ hội tăng trưởng kinh tế bền vững - Ảnh 1