Trang điểm và mạng xã hội gây áp lực cho phụ nữ hơn cả Covid-19
Những bộ lọc chụp ảnh trên các trang mạng xã hội có thể là “đồng minh” cho các doanh nghiệp mỹ phẩm, nhưng không hẳn là tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nhất là trong khoảng thời gian đại dịch, khi mọi người thường gọi điện video cho nhau qua các app ứng dụng…
Tháng trước, ông chủ của L'Oreal tiết lộ, Instagram hay Facebook hỗ trợ tốt cho việc kinh doanh mỹ phẩm, vì khiến các cô gái trẻ mua đồ trang điểm nhiều hơn để làm mình giống những bức ảnh đã đăng. Trong một cuộc phỏng vấn, vị này đã nói rằng: "Bạn càng làm cho mình xinh đẹp trên mạng thì bạn càng phải nỗ lực làm đẹp bản thân khi ra ngoài, bởi vì nếu mọi người gặp và phát hiện ra rằng bạn hoàn toàn khác với những gì họ nghĩ thì thật tệ".
Phát biểu trên đã dấy lên một cuộc tranh cãi trong những ngày cuối năm này. Một số phụ nữ nói rằng họ cảm thấy áp lực khi họ phải “đua” theo những ám ảnh về ngoại hình của chính mình hoặc những người khác, đặc biệt là những người bị rối loạn hình ảnh cơ thể. Áp lực này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ.
Thực tế, đã có những nghiên cứu xem xét mối quan hệ của việc trang điểm với sức khỏe tổng thể và tinh thần của con người. Một số nghiên cứu trước đây đã mô tả một hiệu ứng ám ảnh về việc trang điểm này là “ngụy trang” – tức trang điểm cung cấp một lớp vỏ ngoài khiến cá nhân cảm thấy mình hấp dẫn hơn. Một nghiên cứu cho thấy tần suất sử dụng đồ trang điểm có mối tương quan tích cực với việc tự nhận thức về sức hút của bản thân, nghĩa là những người thường trang điểm sẽ thấy mình hấp dẫn hơn.
Một khảo sát do hãng mỹ phẩm Kanebo kết hợp với các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng khoảnh khắc trước khi có son phấn trên mặt, phụ nữ có xu hướng đánh lừa bản thân, xem đó như khuôn mặt của người khác. Khi trang điểm xong, họ cảm thấy như đây mới chính là mình. Điều này cho thấy, phụ nữ coi gương mặt đã trang điểm là đại diện cho con người của mình.
Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu ở Đại học São Paulo, Brazil, cũng cho kết quả tương tự. Khoảng 50 phụ nữ được đo lường mức độ nhận thức về bản thân trước và sau khi trang điểm theo 4 mức độ trang điểm tăng dần (trang điểm nhẹ bằng mỹ phẩm không màu, trang điểm trung bình, đậm, và đậm hơn). Kết quả, phụ nữ đánh giá mình nữ tính, khỏe mạnh và có tự tin cao hơn so với lúc không trang điểm. Những người trang điểm đậm hơn cũng tự đánh giá các yếu tố đó cao hơn so với khi trang điểm nhẹ.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa mỹ phẩm và sức khỏe tinh thần không phải lúc nào cũng tích cực với tất cả mọi người. Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng trang điểm liên tục trong văn hóa ngày nay đã tạo ra những hình ảnh và chuẩn mực vẻ đẹp phi thực tế. Những hình ảnh này có thể khiến phụ nữ cảm thấy lo lắng và thiếu tự tin khi so sánh bản thân mình, dẫn đến mức độ tự tin của họ cũng bị giảm sút.
Việc trang điểm để chạy theo những chuẩn mực hay kỳ vọng của xã hội cũng gây hại không kém. Chúng tạo nên áp lực lên tinh thần khiến nhiều người luôn ở trong trạng thái lo lắng, và dễ bị tác động bởi những bình luận liên quan đến ngoại hình. Đó là lý do tại sao xu hướng không trang điểm lại bắt đầu trở nên phổ biến. Cái nhìn "không trang điểm" dường như được áp dụng bởi những người phụ nữ thoải mái với bản thân và ngoại hình của mình.
Trong một nghiên cứu sơ bộ, nếu phụ nữ nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình trong gương 10 phút mỗi ngày mà không có mục tiêu nào khác ngoài việc sống với chính mình hiện tại, thì sau khoảng 2 tuần, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn về ngoại hình và ít quan tâm hơn đến việc trang điểm. Những người này cũng cho biết họ giảm căng thẳng và tăng thêm sự thoải mái.
Đặc biệt, giữa đại dịch Covid-19, khi chúng ta ở nhà nhiều hơn, đã có một làn sóng phụ nữ bày tỏ sự không hài lòng với việc phải đầu tư tiền bạc và sức lực vào việc trang điểm hàng ngày. Làm việc ở nhà với trang phục thoải mái đã giúp phụ nữ cảm thấy khi không có lớp make up thì cũng không hẳn là tệ lắm. Đó là chưa kể, dù chất lượng tốt đến mấy thì mỹ phẩm trang điểm vẫn làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Ngừng trang điểm hoặc trang điểm ít sẽ giúp chúng ta vừa không cần mất quá nhiều thời gian cho việc làm sạch da cuối ngày, lại ít nguy cơ bị nổi mụn, đồng thời tiết kiệm chi phí.
Với sự ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh, xu hướng trang điểm của phái đẹp gần đây dường như đã có chút thay đổi. Hot trend “makeup corona” càng ngày càng khiến chị em phụ nữ có khuynh hướng trang điểm nhẹ nhàng, đơn giản và tự nhiên hơn. Khi việc đeo khẩu trang trở thành một thói quen không thể thiếu vào mùa dịch, thì việc trang điểm đối với chị em phụ nữ giờ đây chỉ gói gọn trong các bước: chăm sóc da, kẻ lông mày và tạo điểm nhấn cho đôi mắt.