15:41 22/02/2022

Tránh tái diễn ùn tắc mậu biên: Cần xây dựng vùng đệm

Lưu Hiệp

Trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần xây dựng và đưa vào vận hành khu trung chuyển, vùng đệm xanh an toàn để có thể xuất khẩu một cách thuận lợi nhất...

Mới đây, phía Trung Quốc đã thông báo tạm dừng tiếp nhận hàng nhập khẩu qua cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai từ ngày 17/2 và đề nghị phía Lào Cai phối hợp tạm thời không cho xe chở hàng hóa xuất khẩu sang Hà Khẩu cho đến khi có thông báo mới. Dù đây là tình huống đột xuất do phía Trung Quốc phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong nội địa, nhưng trước thông tin này, các doanh nghiệp cũng “đứng ngồi không yên” vì không biết khi nào cửa khẩu mới mở trở lại.

XE HÀNG ÙN Ứ, CHI PHÍ TĂNG CAO

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Công ty vận tải quốc tế XNK cho biết, doanh nghiệp đang rất lo lắng trước thông tin tạm dừng nhập khẩu hàng hóa từ phía Trung Quốc. “Hiện Công ty XNK đang còn 12 đầu xe ở cửa khẩu Lào Cai, hàng hoá không chuyển qua cửa khẩu khác được bởi đã ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc đi và nhận ở cửa khẩu này. Giờ chỉ ngóng chờ thông tin về thời gian mở cửa từ phía Trung Quốc,” bà Thuỷ cho biết.

Theo ông Trần Văn Hào, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải quốc tế Thái Việt Trung, việc tạm dừng nhập khẩu mà chưa thông báo thời gian hoạt động trở lại của Trung Quốc cũng khiến nhiều kế hoạch của doanh nghiệp bị đảo lộn. “Với tình trạng nằm chờ và chưa biết khi nào có thể “thoát” được hàng, đến khi xe có thể thông quan, quay đầu thì chắc chắn chả dư được đồng nào”, ông Hào lo ngại.

Không riêng tại Hà Khẩu, tại cửa khẩu Móng Cái hay Tân Thanh, cảnh ùn ứ, ách tắc trong thông quan hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tái diễn khi hàng hóa đổ về nhiều và Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.

Theo ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), tính đến 8h ngày 18/2, tổng số phương tiện chở hàng hoá xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 2.042 xe, giảm 95 xe so với ngày 17/2.

Trong đó, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn 1.128 xe, trong đó 852 xe hàng hoa quả; 276 xe chở các mặt hàng khác. Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh tồn 910 xe. Trong khi đó, năng lực thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn hiện vẫn rất chậm, chỉ đạt khoảng 100 – 130 xe/ngày. Số lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên khu vực cửa khẩu chờ xuất có xu hướng tăng, trung bình từ 160 – 180 xe/ngày. Vì vậy, lượng hàng ùn ứ tại cửa khẩu chưa có xu hướng giảm và áp lực giải tỏa hàng cho doanh nghiệp ngày càng tăng cao.

Theo đại diện Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, một trong những nguyên nhân khiến lượng hàng thông quan đạt thấp là do Trung Quốc duy trì chiến lược “zero Covid”, nên siết chặt các biện pháp phòng dịch với người (lái xe) và phương tiện vận chuyển hàng. Thời gian thông quan mỗi xe lên tới vài giờ đồng hồ, thay vì 10-15 phút như trước. Chưa kể nếu là hàng đông lạnh còn bị kiểm tra rất chặt dù chủ hàng cung cấp đủ giấy tờ xét nghiệm tài xế, khử khuẩn xe...

“Với năng lực thông quan hạn chế như hiện nay, theo dự báo phải mất 10-15 ngày mới có thể thông quan hết số xe hàng tồn này”, ông Khánh cho biết Theo đại diện một đơn vị chuyên giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu tại Móng Cái, đến ngày 18/2, mặc dù tại khu vực bãi xe chờ xuất khẩu chỉ còn vài chục xe hoa quả, thấp hơn đáng kể so với vài ngày trước, nhưng xe hàng xuất- đi về cũng mất 2 ngày.

Tránh tái diễn ùn tắc mậu biên: Cần xây dựng vùng đệm - Ảnh 1

Việc xe hàng tồn đọng, ùn ứ tại cửa khẩu không chỉ khiến chi phí của doanh nghiệp vận tải tăng cao mà còn khiến cánh tài xế mệt mỏi vì phải trông xe, trông hàng chờ tới lượt thông quan. Theo tính toán, chi phí tăng thêm bình quân cho mỗi xe đang phải chờ ở cửa khẩu lên tới 2-2,5 triệu đồng/xe. Cùng với đó, giá thuê tài xế trung chuyển cũng tăng từ 1,5-2 triệu đồng/người/xe lên tới 3-5 triệu đồng/người/xe. “Nếu tình trạng này kéo dài, thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh là rất lớn khi chi phí phát sinh lên quá cao”, ông Hào bày tỏ.

GIẢI PHÁP PHÂN LUỒNG HÀNG HÓA

Trước tình trạng xe ùn ứ vẫn tăng cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” do phía Trung Quốc tạm dừng đóng cửa khẩu và thực hiện các quy định chống dịch nghiêm ngặt, đại diện Công ty XNK đề nghị các cơ quan quản lý cần nhanh chóng hình thành vùng đệm xanh an toàn để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Công ty XNK cho rằng có thể xây dựng vùng đệm cách cửa khẩu từ 2-3km; trong đó sẽ kiểm tra chặt lái xe của vùng đệm, thực hiện khử khuẩn tốt cho xe vận chuyển để đảm bảo yêu cầu phòng dịch mới trước khi đưa lên cửa khẩu. Việc làm tốt công tác phòng chống dịch tại vùng đệm sẽ rút ngắn được thời gian kiểm tra hàng hoá trước thông quan. “Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của Chính phủ vì hiện nay nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của Trung Quốc rất cao”, bà Thủy cho biết.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Hào, cơ quan quản lý nhà nước cần phân luồng hàng hóa để tạo thuận lợi cho các xe container hoa quả tươi trong khi không làm ảnh hưởng tới các xe vận chuyển hàng hóa khác như linh kiện điện tử, dệt may… “Cơ quan chức năng có thể phân luồng hàng hóa để giảm tải ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. Nên ưu tiên đối với nhóm hàng tươi sống để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp do hỏng hàng. Trong khi đó, xe chở hàng điện tử, thời trang… có thể chờ đợi và thường được bảo đảm bởi hợp đồng được ký kết”, ông Hào nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện Công ty Thái Việt Trung cũng khuyến nghị cơ quan quản lý khởi động lại chương trình vượt tuyến. Trước đó, xe rỗng của Trung Quốc đã giao hàng tại Việt Nam có thể lấy hàng xuất khẩu ngay trong ngày. Doanh nghiệp chỉ cần làm đơn có xác nhận của đơn vị quản lý cửa khẩu, bến bãi. Từ đó giảm thời gian chờ đợi, giảm gánh nặng xe xuất khẩu tồn đọng, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Do vậy, các cơ quan ban ngành có thể cân nhắc phương án giải quyết vấn đề ùn ứ xe container song song với việc nâng cao số lượng xe hàng xuất khẩu. “Nếu xe container phải nằm chờ ở bãi lâu, doanh nghiệp chịu thêm chi phí phát sinh, tăng chi phí khấu hao phương tiện trong khi tiền lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đúng hạn”, bà Thủy cho biết.

Không chỉ vậy, theo tính toán của Hiệp hội rau quả Việt Nam, một số nông sản như mít, xoài, dưa hấu, thanh long đang bị ùn ứ và có nguy cơ giảm giá khi xuất khẩu chậm lại. Nếu Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “zero Covid” thì năm nay xuất khẩu sẽ giảm 30-40% sang nước này.

Trước tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu đảm bảo ứng trực quân số 100%, bố trí cán bộ công chức làm việc 24/24, cả ngày nghỉ, lễ Tết, nếu phía Trung Quốc mở cửa bất cứ lúc nào thì sẽ thực hiện thông quan hàng hóa ngay thời điểm đó.

Sau khi tiếp nhận thông tin phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tại Hà Khẩu, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã ngay lập tức chỉ đạo Ban Quản lý cửa khẩu thông báo cho các ngành thành viên quản lý Cửa khẩu đường bộ Quốc tế số II Kim Thành và các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu biết để phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, do phía Trung Quốc càng ngày càng siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, vì vậy, Hải quan đề nghị các doanh nghiệp, tư thương cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt về tiêu chuẩn đóng gói bao bì để truy xuất nguồn gốc và kiểm soát dịch bệnh.

Để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hoá có thể xảy ra khi phía bạn tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu đường biên, Bộ Công Thương mới đây cũng đề nghị các địa phương vùng trồng, vùng nuôi nông sản, thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để kịp thời cập nhật thông tin tới các hộ sản xuất trên địa bàn, qua đó giúp nông dân chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Trước đó, ngày 7/2, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có Văn bản số 54/XNK-TMQT gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để khuyến cáo về việc có thể xuất hiện tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc sau Tết Nguyên đán. Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh vùng trồng, vùng nuôi nông sản, thủy sản chủ động nghiên cứu và thực hiện các nội dung nêu tại văn bản này.